Các nhà khoa học cảnh báo, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành và địa phương cần xắn tay áo, cùng nhau hành động đế ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt.
Hợp tác chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông
Nhiều nhà khoa học đã nhấn mạnh, sự suy kiệt nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông do việc gia tăng sử dụng nước và đặc biệt là xây dựng một loạt các hồ thủy điện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cạn nước, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt tại các tỉnh ĐBSCL. Vì thế, một trong những giải pháp căn cơ nhất để đối phó với tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở vựa lúa lớn nhất VN, là cần tăng cường hợp tác trong quản lý và chia sẻ nguồn nước một cách công bằng và hợp lý giữa các nước trên lưu vực sông Mê Kông. TS Tô Vân Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (QHTLMN), lưu ý: “Về lâu dài, VN cần liên kết, quản lý khai thác theo lưu vực sông trong khuôn khổ của hiệp định Mê Kông (MRC) với các nước ở thượng lưu”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện QHTLMN, để đảm bảo nguồn nước ngọt cho tất cả các vùng, ngoài việc phải triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp thì chúng ta rất cần chú trọng đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với các nước vùng thượng lưu trong việc chia sẻ hợp lý nguồn nước.
Xây các công trình trữ nước
Tất cả các nhà khoa học mà chúng tôi tham vấn đều cho rằng, giải pháp công trình chính là chìa khóa cốt tử của bài toán chống mặn xâm nhập, thích ứng với tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất ở ĐBSCL. Theo TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó khoa Môi trường - Tài nguyên (MT-TN) thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), xây dựng các công trình tích trữ nước vốn đã rất dồi dào trong mùa nước nổi để có nước sử dụng trong mùa khô và giảm áp lực lấy nước từ các tuyến sông là việc nên làm và càng sớm càng tốt. Ông Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT Cần Thơ cho rằng trước hết cần phải xây dựng hồ chứa nước ở các địa phương. “Chúng ta không cần thiết và cũng không nên xây dựng những hồ chứa hoành tráng, mà từng phường, xã, ấp, xóm… có thể sử dụng mặt nước hiện có để bao giữ nước. Chỉ cần bao giữ 2,5% diện tích là có thể đủ nước cho địa phương sử dụng trong mùa khô”, ông Vinh hiến kế.
Là người đứng đầu Viện QHTLMN, đơn vị đang thực hiện xây dựng “Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, chúng ta vừa phải củng cố hệ thống đê biển, đê sông và kênh nội đồng vừa phải xây dựng các hệ thống cống để giữ nước cho khu vực này. Theo ông, ĐBSCL hiện chỉ còn 7 cửa sông. Cần nghiên cứu, xem xét những cửa nào lợi nhất về kinh tế, MT và cấp nước ngọt để đề xuất xây dựng công trình. “Hiện chúng ta đang triển khai xây dựng 2 hệ thống cống Cái Lớn và Cái Bé, dự kiến đến 2015 sẽ hoàn thành. Từ 2015 - 2020 sẽ nghiên cứu xây dựng các cống trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Sau đó, tiếp tục đề xuất xây dựng một vài hệ thống nữa”, ông Anh nói.
Các nhà khoa học thuộc Viện Thủy lợi và MT (ĐH Thủy lợi) nhấn mạnh, tính đến năm 2100, theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ TN-MT, hệ thống công trình kiểm soát lũ đã được Chính phủ phê duyệt vẫn có thể phát huy được hiệu quả nếu được hoàn chỉnh và nâng cấp. Tuy vậy, phía Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và tây nam sông Hậu có thể phải bơm gạn hỗ trợ hoặc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ thích hợp. Cần phải nâng cấp, bổ sung để nối liền hệ thống kiểm soát triều, mặn với hệ thống ngăn, thoát lũ thành một hệ thống thống nhất. Hệ thống này sẽ vận hành theo hướng kiểm soát mặn và triều quanh năm kết hợp kiểm soát đầu và cuối lũ đối với vùng ngập sâu. Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và TGLX cần hoàn thiện các công trình đê, đảm bảo kiểm soát lũ từng phần. Ngoài ra, TGLX phải tăng cường các công trình thoát lũ ra biển Tây trong lũ chính vụ, ĐTM thì tăng cường các công trình điểu khiển nhằm rút lũ qua hạ lưu sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Trong tương lai cần nghiên cứu lấy nước ngọt cho các hệ thống ngọt hóa như nam Mang Thít, bắc Bến Tre, Quản Lộ - Phụng Hiệp từ sâu phía thượng nguồn hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Bán đảo Cà Mau: chuyển nước từ sông Hậu thông qua các kênh từ Ô Môn trở lên, ngăn sông Cái Lớn - Cái Bé. Lợi dụng thế triều cao đưa nước vào vùng bán đảo Cà Mau và từ kênh rạch vào các ô ruộng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Theo TS Nguyễn Hữu Chiếm, các địa phương nên nghiên cứu thay đổi cơ cấu mùa vụ để “sống chung với hạn và mặn”. “Nếu trước đây trồng mỗi năm 3 vụ lúa thì bây giờ chúng ta nên tính tới chuyện trồng 2 vụ lúa xen canh với vụ màu. Các địa phương cần ưu tiên chọn những giống chịu được mặn, hạn, lũ... để bố trí trồng cho phù hợp.
TS Tô Vân Trường cho rằng, Bộ TN-MT cùng với Bộ NN-PTNT cần tăng cường công tác dự báo khả năng nguồn nước, xâm nhập mặn, giúp bà con nông dân bố trí, thay đổi thời vụ cây trồng phù hợp với thực tế. “Song song với việc nghiên cứu các giống lúa, cây trồng chịu hạn, chịu mặn, cần khuyến khích, tăng cường lúa vụ 3 ở vùng lũ ĐTM và TGLX để chủ động nguồn nước”, ông Trường nói./.
(Theo: Thanh Niên)