Thứ Năm, 21/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 5/8/2015 20:41'(GMT+7)

Phát hiện, đào tạo và phát huy vai trò của những người viết trẻ về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Ngày 5-8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị những người viết trẻ về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và đồng chí Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì Hội nghị.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nêu rõ: “Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”. Hội nghị những người viết trẻ về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được tổ chức để tiếp tục triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nhằm tập hợp lực lượng, đánh giá đúng thực trạng và tìm ra giải pháp phát triển đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Trải qua gần 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định, theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, mới mẻ và có vấn đề đi vào chiều sâu hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém. Lý luận văn học, nghệ thuật vẫn còn những biểu hiện lạc hậu, xơ cứng, chưa kịp với thực tiễn sáng tác, trong khi phê bình có biểu hiện lúng túng, chưa khẳng định được vị trí, vai trò đồng hành, định hướng cho sáng tác. Hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng rất đáng lo ngại như: phê bình báo chí với những biểu hiện thương mại hóa lấn át phê bình chuyên nghiệp; sự mất cân đối trong hoạt động phê bình giữa các loại hình nghệ thuật và giữa các địa phương, lực lượng phê bình đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh cho biết, thời gian qua, trong văn học, nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng, lớp trẻ đã có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới. Sự xuất hiện lực lượng sáng tác và nghiên cứu lý luận, phê bình trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách; ý thức cố gắng tìm tòi, thể nghiệm một số khuynh hướng phê bình hiện đại của lý thuyết văn nghệ thế giới để vận dụng vào nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học, nghệ thuật trong nước là dấu hiệu mới đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là, đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận phê bình hiện nay đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghệ thuật. Có những ý kiến nhận xét: đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay đang thiếu và yếu. Chất lượng hoạt động lý luận, phê bình của lực lượng những người viết trẻ còn nhiều bất cập từ góc độ khoa học và tầm hiểu biết thực tiễn cuộc sống đất nước và đời sống văn nghệ nước nhà.

Chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật trẻ chưa cao.  Trong thời gian qua, các cây bút trẻ đã cố gắng tìm tòi, thể nghiệm một số khuynh hướng phê bình hiện đại vào nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học nghệ thuật nổi bật. Tuy nhiên, việc vừa nghiên cứu, vừa tìm hiểu ứng dụng những lý thuyết văn học nghệ thuật nước ngoài dẫn tới tình trạng còn nhiều công trình thiếu độ nhuần nhuyễn, chiều sâu và thiếu tính thuyết phục. Bên cạnh đó, hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trẻ hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo, bản lĩnh nghề nghiệp, ngại va chạm, chưa thực sự bám sát đời sống sáng tác đa dạng, bề bộn.

Công tác đào tạo ngành lý luận, phê bình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và không phát huy được vai trò tạo dựng đội ngũ kế cận.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chương trình đào tạo hiện nay ở các khoa chuyên ngành văn học, nghệ thuật của các trường đại học đang tồn tại nhiều bất cập, khó có thể đào tạo được những người khi ra trường có thể làm tốt công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Chất lượng đào tạo hiện nay rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Đó là lý do cơ bản khiến cho đội ngũ những người trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay vừa thiếu, vừa yếu.

Sự phát triển của báo chí văn nghệ hiện nay cũng đang bộc lộ những bất cập dưới sức ép của thương mại hóa khiến cho môi trường phê bình bị ảnh hưởng tiêu cực, vừa hạn chế diễn đàn, vừa làm nhiễu loạn thông tin, đảo lộn quan niệm giá trị văn học, nghệ thuật dẫn đến tâm lý chán nản, ngại va chạm của các cây bút lý luận, phê bình trẻ.

Hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo sử dụng, phát huy, tạo điều kiện cho hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật  nói chúng và đội ngũ trẻ còn nhiều hạn chế, lạc hậu yếu kém.

Về mặt chủ quan, đội ngũ những người trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay đang thiếu sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, chưa nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm nghề nghiệp và nỗ lực sáng tạo.

Để phát hiện, đào tạo và phát huy vai trò của những người viết trẻ về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, các đại biểu cũng đồng tình với một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, từ góc độ các cây bút lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trẻ cần nâng cao hơn nữa ý thức nghề nghiệp. Việc tự học, rèn luyện vốn sống, vốn văn hóa hun đúc khát vọng sáng tạo, bản lĩnh, trách nhiệm trong tự do sáng tạo là những vấn đề đặc biệt quan trọng của đội ngũ những cây bút phê bình trẻ.

Thứ hai, từ góc độ lãnh đạo, quản lý, các cơ quan chức năng cần có bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các cây bút lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trẻ. Các trường văn hóa nghệ thuật phải phối hợp chặt chẽ với các Hội văn học nghệ thuật và các trường phổ thông để kịp thời phát hiện những năng khiếu văn học nghệ thuật nói chung và năng khiếu lý luận phê bình nói riêng.

Thứ ba, cần tập hợp lực lượng, tạo diễn đàn riêng cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật cũng như khó khăn vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp thực tiễn. Cần huy động nguồn lực đầu tư hiệu quả cho các cây bút luận, phê bình văn học nghệ thuật trẻ.

Thứ tư, phát huy vai trò của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với các hội văn học, nghệ thuật và các báo, đài để vừa tập hợp, vừa bồi dưỡng, định hướng, vừa tạo nhiều diễn đàn cho lực lượng lý luận, phê bình hoạt động. Kiến nghị Nhà nước sớm ban hành một số cơ chế, chính sách, nhất là chế độ nhuận bút, đặt hàng mua các tác phẩm hay cho hệ thống các thư viện, bảo tàng, hỗ trợ sáng tạo và cơ chế tôn vinh các cây bút trẻ.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất