Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 22/8/2012 17:25'(GMT+7)

Phát hiện tham nhũng, chuyển ngay sang cơ quan điều tra

Trước đó, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra con số 464 vụ thanh tra được Thanh tra Chính phủ chuyển sang cơ quan điều tra (chiếm chưa tới 1% tổng số vụ thanh tra trong 5 năm qua), trong khi cơ quan thanh tra cũng thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng được phát hiện lên tới hàng nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỉ đồng. Đại biểu đặt vấn đề “có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng hay không?”.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra ở một số nơi, lĩnh vực còn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đi đến cuối cùng của vi phạm, nên việc phát hiện tham nhũng và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc chưa nhiều là trách nhiệm của ngành.

Tiếp thu câu hỏi của đại biểu, Tổng Thanh tra cho biết cơ quan thanh tra sẽ tiếp tục xem xét và trong quá trình làm việc, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, sẽ chuyển ngay sang cơ quan điều tra mà không cần chờ kết luận thanh tra. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 3 vụ thanh tra có dấu hiệu tham nhũng lớn sang cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.

Trong phần trả lời bổ sung, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết nguyên nhân các vụ thanh tra chuyển sang điều tra ít là do tội phạm tham nhũng có kinh nghiệm che dấu hành vi phạm tội nên việc phát hiện không dễ dàng.

Những năm qua, Công an các địa phương đã nhận 8 vụ chuyển sang từ thanh tra địa phương. Thứ trưởng đề nghị, khi đã có dấu hiệu tội phạm thì thanh tra nên chuyển hồ sơ sớm để cơ quan Công an điều tra.

Kịp thời ra quyết định thanh tra

Một số đại biểu cho rằng ngành thanh tra ra quyết định thanh tra chậm chạp đã ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng. Thừa nhận việc này xảy ra ở một số vụ việc, Tổng Thanh tra cho biết để khắc phục, ngành ban hành quy chế để ra quyết định kịp thời.

Tổng Thanh tra cũng chia sẻ, vấn đề chậm ra quyết  định thanh tra là do ngành phải trao đổi ý kiến các cơ quan chuyên ngành vì nhiều lĩnh vực thanh tra không nắm hết được. Ông lấy ví dụ, “vừa qua, có bộ, ngành được chúng tôi xin ý kiến mà 2 tháng chưa trả lời” và  kiến nghị nâng cao hơn trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương khi phối hợp tham gia với cơ quan thanh tra.

Bên cạnh việc “ra quyết định”, việc thực hiện kết luận thanh tra cũng chưa tốt. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, từ 2007- 2011, thanh tra nhiều việc nhưng tỷ lệ thực hiện kết luận sau thanh tra là dưới 40% về tiền và 20% về đất đai.

Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân là do chế tài xử lý việc không thực hiện kết luận thanh tra chưa mạnh, không có đơn vị theo dõi giám sát việc thực hiện kết luận.

Tổng Thanh tra đề nghị cần tăng chế tài và thành lập một Vụ Giám sát kết luận thanh tra để đôn đốc việc thực hiện.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được sửa đổi theo ba hướng: Một là mở rộng đối tượng kê khai tài sản; hai là công khai bản kê khai tài sản tại nơi công tác và cư trú; ba là đối tượng kê khai phải giải trình lý do tăng thu nhập giữa hai kỳ kê khai.

Dự Luật sửa đổi này bao gồm 7 nội dung chính: Quy định trách nhiệm giải trình cán bộ, công chức trong đơn vị công tác; quy định đối tượng kê khai; quy định về bản kê khai tài sản thu nhập; việc xử lý tài sản không được giải trình hợp lý; biện pháp đình chỉ, chuyển công tác đối với người vi phạm; trách nhiệm của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp.

Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật này trong kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2012. 



Chinhphu.vn

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất