Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972 đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc là một trong những trận đánh như vậy. Đó là trận đánh quy mô cấp chiến dịch đầu tiên trên mặt trận đối không của chiến tranh nhân dân Việt Nam; trong đó, quân và dân miền Bắc, mà Bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ) là lực lượng nòng cốt đã tích cực, chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân vững chắc, lập nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), tạo nên cục diện mới để quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bốn mươi lăm năm đã trôi qua nhưng giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại và không khí hào hùng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên trong ký ức của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là với quân và dân Hà Nội. Hà Nội đã trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”, là biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đối với bạn bè quốc tế, Việt Nam đã trở thành lương tri của thời đại. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng mang tầm vóc to lớn ở thế kỷ 20, viết tiếp những trang sử vàng, chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc bản lĩnh, ý chí, tầm cao trí tuệ và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó còn là thắng lợi của đường lối đúng đắn, tài thao lược của Đảng ta, được biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không độc đáo, sáng tạo.
|
Phân đội 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4-1972. Ảnh chụp lại. |
Với Quân đội ta, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lực lượng phòng không ba thứ quân, nhất là của Bộ đội PK-KQ cùng sự đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không, nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp của nền khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thắng này có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao; góp phần đánh bại ý chí xâm lược-bước leo thang chiến tranh, với những nỗ lực cuối cùng của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), cam kết rút toàn bộ quân viễn chinh ra khỏi Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với cách mạng nước ta trong việc thực hiện “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào” bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông diễn ra gay gắt. Đối với nước ta, tình hình chính trị-xã hội cơ bản ổn định; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ hợp tác đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, tình hình chính trị-xã hội ở một số địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới và biển, đảo còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ Đảng, Nhà nước, quân đội. Tình hình trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học, kinh nghiệm quý của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Một số bài học, kinh nghiệm đó là:
Một là, bài học về kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng-nhân tố quyết định giành thắng lợi
Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972 nói riêng là đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Nhờ đường lối đó, cùng với phương châm chỉ đạo chiến lược tài tình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước phát huy sức mạnh tổng hợp, ý chí quyết đánh, quyết thắng quân xâm lược của toàn dân tộc để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng lớn máy bay chiến lược B-52 (một trong bộ ba vũ khí răn đe chiến lược của chúng), hòng đưa “Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, đè bẹp tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân ta và giành lợi thế để ép ta trong đàm phán, song chúng đã thất bại thảm hại. Sự thất bại đó của chúng là tất yếu, phù hợp với quy luật của chiến tranh: Mạnh được yếu thua. Xét về tổng thể, ta mạnh hơn địch nên đã giành thắng lợi. Cội nguồn của sức mạnh đó do nhiều yếu tố tạo thành; trong đó, yếu tố quan trọng, quyết định nhất là sự lãnh đạo của Đảng. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để quân và dân ta, trực tiếp là quân và dân Hà Nội, nòng cốt là lực lượng PK-KQ chủ động tiến hành công tác chuẩn bị và thực hành chiến dịch, nêu cao ý chí chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, “vạch nhiễu tìm thù”, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, lựa chọn cách đánh phù hợp, đánh bại “pháo đài bay B-52”, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Phát huy bài học về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta phải luôn kiên định đường lối, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở đó, kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng. Chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm; trong đó, cần hướng mạnh về cơ sở, chăm lo bảo đảm, nâng cao đời sống nhân dân và giáo dục cho thế hệ trẻ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Hai là, bài học về sự chỉ đạo chiến lược và chiến dịch tài tình, sắc bén trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra
Ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân ta chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để quyết đánh, quyết thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian và suy nghĩ, chuẩn bị,… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(1). Đây là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta chỉ đạo các lực lượng, địa phương tích cực chuẩn bị mọi mặt, từ công tác bảo đảm, xây dựng lực lượng, thế trận đến nghiên cứu, xác định phương thức tác chiến trên mặt trận đối không. Theo đó, cùng với việc củng cố tổ chức biên chế lực lượng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ chủ động cử các đơn vị chủ công trực tiếp vào chiến trường để nghiên cứu, tìm hiểu cách đánh máy bay B-52, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Bộ tư lệnh các Quân khu (Hữu Ngạn, Tây Bắc, Việt Bắc…) chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp lực lượng phòng không trên từng địa bàn; đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ các địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội làm tốt công tác phòng tránh, sơ tán, bảo đảm giao thông, vận chuyển và huy động lực lượng phục vụ chiến đấu, v.v.. Đây là sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, thể hiện tính chủ động về chiến lược, chiến dịch, huy động cả tinh thần, lực lượng và sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng phòng không chủ lực với phòng không địa phương trên địa bàn chiến dịch.
Bài học về chiến thắng trên vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, Quân đội nhân dân phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước hết, phải chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, làm cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng đúng đắn, khoa học; đồng thời, tổ chức triển khai xử lý thắng lợi các tình huống có thể xảy ra, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ về chiến lược. Để thực hiện điều đó, các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chia sẻ thông tin, nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là những diễn biến liên quan đến quốc phòng, an ninh và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc đánh giá chính xác tình hình, đối tác, đối tượng để tham mưu đúng, trúng, kịp thời, giải quyết tốt các mối quan hệ quốc tế nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là vấn đề quan trọng hàng đầu, mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên cơ sở đó có kế hoạch, phương án ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi bên trong, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống.
Ba là, bài học về xây dựng LLVT ba thứ quân, nhất là xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Một trong những nhân tố quan trọng làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chúng ta đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, nhất là lực lượng phòng không ba thứ quân, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ để đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo, nên ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tham chiến ở miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng các đơn vị tên lửa, radar, không quân và một số đơn vị bảo đảm kỹ thuật vững mạnh, kết hợp với củng cố lực lượng phòng không địa phương rộng khắp ở miền Bắc để sẵn sàng đối phó các bước leo thang chiến tranh của địch. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm tạo nên thế và lực để đối phó hiệu quả với “pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ; đồng thời, có đủ khả năng đánh địch rộng khắp, có chiều sâu trên mặt trận đối không. Cùng với đó, việc bố trí lực lượng phòng không ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc được coi trọng thực hiện, nên đã phát huy khả năng chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, tạo nên “lưới lửa phòng không” đánh máy bay địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, cả ngày lẫn đêm. Nét đặc sắc của bài học này còn được thể hiện rõ trong việc bố trí, tổ chức đánh rộng khắp, nhiều loại máy bay địch, nhưng tập trung vào máy bay B-52 trên khu vực tác chiến chủ yếu là địa bàn Thủ đô Hà Nội, với Bộ đội PK-KQ làm nòng cốt, Bộ đội Tên lửa làm chủ công. Vì vậy, với sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt cùng nghệ thuật tác chiến phòng không đặc sắc, sử dụng lực lượng hợp lý, quân và dân ta đã đánh thắng giòn giã nhiều trận, nhất là các trận then chốt quyết định, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52, làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của địch.
Vận dụng bài học này vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần coi trọng hơn nữa việc xây dựng LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong quá trình thực hiện, phải quán triệt, thấu suốt quan điểm của Đảng đối với từng lực lượng, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mỗi lực lượng để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Phải tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó, Quân chủng PK-KQ là một trong số lực lượng được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Để làm được điều đó, phải chú trọng xây dựng quân đội nói chung, lực lượng PK-KQ nói riêng cả về con người và vũ khí, trang bị; trong đó, lấy xây dựng con người là trung tâm-nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thời gian tới, cùng với quá trình hiện đại hóa LLVT theo các đề án về điều chỉnh tổ chức biên chế và chiến lược trang bị cho quân đội đến năm 2025, cần tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương, chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và huấn luyện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai, thảm họa cho cả lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Coi trọng nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng… bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Cùng với đó, cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế; tích cực nghiên cứu, phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân; trong đó, hết sức chú ý nghiên cứu phòng, chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch.
Bốn là, bài học về phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới
Trong Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12 năm 1972, bằng việc phát huy sức mạnh nội lực (là chủ yếu), kết hợp với sức mạnh của thời đại, chúng ta đã giành thắng lợi to lớn, đạt mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc(2) XHCN. Vì thế, đó không chỉ là chiến thắng của sức mạnh ý chí và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, mà còn là thắng lợi chung của các lực lượng XHCN, của phong trào cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Chỉ sau 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, “siêu pháo đài bay B-52” thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong cuộc đọ sức 12 ngày đêm cuối năm 1972 với lực lượng không quân chiến lược Mỹ, nhân dân ta đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất, tinh thần của bạn bè quốc tế, nhất là sự giúp đỡ quý báu, chí nghĩa, chí tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em khác về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Đó còn là sự ủng hộ to lớn của nhân loại tiến bộ trên khắp năm châu, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, sự đoàn kết keo sơn, kề vai sát cánh chiến đấu nói chung, trên mặt trận đối không nói riêng giữa liên minh ba nước Đông Dương: Việt Nam-Lào-Campuchia đã tạo sức mạnh to lớn, làm nên chiến thắng vĩ đại này.
Để vận dụng bài học trên vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay một cách thiết thực, hiệu quả, trước hết phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện song phương và đa phương, bảo đảm sự hợp tác trên lĩnh vực này trở thành mũi nhọn trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Quá trình thực hiện, phải nắm vững nguyên tắc chiến lược, nhưng hết sức linh hoạt, mềm dẻo về sách lược để tổ chức thực hiện đúng đắn, sáng tạo đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng. Tiếp tục đưa quan hệ quốc phòng với các nước đi vào chiều sâu, bền vững; trong đó, ưu tiên quan hệ với các nước có biên giới liền kề, củng cố, phát triển quan hệ với các nước lớn, coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước công nghiệp phát triển, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, vững chắc.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cùng những bài học quý được rút ra vẫn còn nguyên giá trị. Đây mãi là niềm tự hào, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới.
Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
(1) Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, H.1990, tr.203.
(2) Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử nghệ thuật Chiến dịch Phòng không (12-1972), Nxb QĐND, H.1997, tr.228.
Theo