Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Hội thảo nhằm mục đích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát huy các nguồn lực cho phát triển ở Việt Nam; góp phần triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 13 giữa nhiệm kỳ. Hội thảo cũng là dịp nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những thành tựu, kết quả đã đạt được trong phát huy các nguồn lực trên mọi lĩnh vực cụ thể cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả trên bình diện quốc gia lẫn địa phương; đồng thời, làm rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp đồng bộ, toàn diện và có tính khả thi để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa các nguồn lực nhằm mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu Đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Từ thực tiễn phát triển đất nước trong những năm qua và kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới cho thấy, các nguồn lực có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mỗi quốc gia đều cần đến các nguồn lực, cả nguồn lực vật chất lẫn nguồn lực tinh thần, cả nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, để sản xuất ra của cải cho xã hội, không chỉ nhằm thỏa mãn như nhu cầu cơ bản của cuộc sống, mà còn xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, thực hiện dân giàu, nước mạnh, phát triển con người toàn diện.
Các nguồn lực cũng là nền tảng để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là nhân tố bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Khi xem xét tổng thể bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, có thể thấy rằng, nếu không có tư duy đột phá trong khai thác, phân bổ, sử dụng một cách hợp lý sẽ không thể phát huy hiệu quả vai trò to lớn của các nguồn lực để phát triển, thậm chí đất nước có thể ngày càng bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, để khai thác, phân bổ, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo, nhận diện và nắm bắt được yêu cầu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển, trên cơ sở đó, xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chiến lược phát triển phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
GS. TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu.
Hội thảo diễn ra trong 2 phiên, tập trung vào những nội dung: 1) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 2) Thực trạng huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Đầu tư nước ngoài, tài chính, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực...; 3) Mối quan hệ giữa các nguồn lực phát triển đất nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 4) Những nhân tố tác động đến việc phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 5) Kinh nghiệm của Trung Quốc và một số quốc gia Đông Bắc Á trong phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới; 6) Thực trạng phát huy các nguồn lực dựa trên lợi thế so sánh tại một số địa phương, như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Tháp...; 7) Bối cảnh trong nước, quốc tế, những vấn đề đặt ra và quan điểm, giải pháp đột phá phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu.
Các tham luận tại Hội thảo cũng thống nhất, vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy hiệu quả các các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phải đổi mới thể chế, cơ chế, pháp luật, chính sách về huy động, sử dụng các nguồn lực; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với các nguồn lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực huy động và sử dụng các nguồn lực của đất nước. Phát huy vai trò của nhân dân, doanh nghiệp trong việc huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Doanh nghiệp phải là đầu tàu của đổi mới sáng tạo, của tăng năng suất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các địa phương cần sử dụng lợi thế so sánh, liên kết vùng nhằm đạt mục tiêu trong phát triển...
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, được tổ chức vào thời điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII, chuẩn bị xây dựng Đề cương Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Vì vậy, Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham dự, đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học; cùng với các tham luận của các ban, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đầu ngành được đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, kiến giải sâu sắc nhiều chiều cạnh khác nhau gắn với chủ đề Hội thảo.
Đồng chí Lại Xuân Môn phát biểu kết luận Hội thảo.
Trên cơ sở các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn khái quát lại một số vấn đề:
Thứ nhất, bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, trong nước đang có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến việc huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Các nguồn lực chính yếu của thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, giá năng lượng thế giới leo thang, xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào cuộc khủng hoản mới... Các nước tập trung nguồn lực cho chạy đua vũ trang, cấm vận kinh tế. Hậu quả của đại dịch COVID-19 còn nặng nề, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, sự lưu thông của các nguồn lực trên phạm vi toàn cầu. Bối cảnh đó tác động trực tiếp đến Việt Nam, đến nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi chúng ta phải tận dụng những cơ hội, vượt qua thách thức, khó khăn, để điều chỉnh một cách có hệ thống việc khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tạo được động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Thứ hai, về nguồn lực và phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030.
Bên cạnh những nguồn lực truyền thống như vốn, con người, tài nguyên thiên nhiên, khoa học và công nghệ, không gian..., nguồn lực để phát triển đất nước còn được tiếp cận ở góc độ mới là các giá trị văn hóa, truyền thống, sức mạnh tinh thần, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình phát triển của dân tộc, các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, cơ hội phát triển, thông tin, dữ liệu, công nghệ kỹ thuật số...
Vị trí, vai trò của từng nguồn lực cụ thể đối với quá trình phát triển phụ thuộc vào bối cảnh, trình độ, mô hình phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh thuộc về những ngành dựa trên tri thức và công nghệ cao, thì nguồn lực con người là quan trọng nhất, đặc biệt, với nguồn lực tài năng và có kỹ năng đổi mới sáng tạo...
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Thứ ba, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển đất nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả các nguồn lực còn nhiều hạn chế như: đất nông nghiệp mạnh mún, phân tán, sử dụng không hiệu quả và có tình trạng thất thu ngân sách nhà nước từ đất đai; hầu hết các khoáng sản khai thác chỉ được sơ chế rồi xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô; hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hiệu quả vốn đầu tư trong nền kinh tế thấp; chưa tận dụng, phát huy lợi thế “dân số vàng”; việc phát huy, huy động các nguồn vốn, nguồn tài lực, vật lực trong nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện tốt...
Thứ tư, Hội thảo đã nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm phát triển của một số địa phương trong nước; các mô hình hay, kinh nghiệm sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Thứ năm, về các giải phát phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030. Các tham luận, ý kiến phát biểu đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý tốt hơn nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên; giữ ổn định kinh tế vĩ môn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp để thu hút các nguồn vốn chưa được sử dụng trong xã hội đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước; tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý khoa học - công nghệ; đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo...
Quang cảnh Hội thảo.
Theo đồng chí Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung của Hội thảo, nhất là tiếng nói từ các ban, bộ, ngành, địa phương, tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Tin, ảnh: THẾ HOÀNG