Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa nêu:
Việt Nam là quốc gia có đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với “thiên tai, địch họa”, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, nhất là trong 5 năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, tôn giáo từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước, như trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đặc biệt trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của các nghị quyết này, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo, dân tộc; đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là những hoạt động có tầm chiến lược, có ý nghĩa lâu dài để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, công tác tuyên truyền đã tham gia tích cực vào việc giáo dục, động viên, cổ vũ đồng bào các dân tộc, tôn giáo phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Sự phối hợp giữa các các đơn vị làm công tác thông tin, tuyên truyền và các cơ quan chuyên môn về dân tộc, tôn giáo ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong giải quyết những vấn đề nổi cộm, phức tạp, nhạy cảm, Nhân dân quan tâm. Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong công tác tuyên truyền ngày càng được phát huy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Công tác tuyên truyền đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo hiện nay vẫn còn không ít hạn chế. Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào còn không ít khó khăn. Một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc, vùng có đạo còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc ngày càng ít dần. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc, tôn giáo chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản khoa học, một số loại hình văn hóa nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ biến mất. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc đưa văn hoá, văn nghệ đến phục vụ đồng bào vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
|
Các đại biểu tham gia hội thảo. (Ảnh: Báo QĐND) |
Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có tổng diện tích tự nhiên là 5.137,8 km²; dân số toàn tỉnh trên 1,2 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số có trên 72 nghìn người (chiếm 5,61%) với 32 thành phần dân tộc, sinh sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi thuộc các huyện, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh.
Khánh Hòa có 8 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân với hơn 371.000 tín đồ, sinh hoạt tại 621 cơ sở tôn giáo. Trong những năm qua, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ quy định pháp luật và gắn bó đồng hành cùng dân tộc, phát huy được những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Đồng chí Lê Hữu Thọ nhấn mạnh, nhận thức được những giá trị cốt lõi và các nguồn lực mà đồng bào các dân tộc, tôn giáo mang lại, tỉnh Khánh Hòa luôn xem công tác dân tộc, tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, coi tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo giữ gìn văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán; xây dựng, phát huy vai trò cốt cán là người có uy tín trong đồng bào, đồng bào có đạo; phát động các phong trào thi đua yêu nước, dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng, xã văn hóa là điều kiện quan trọng để Khánh Hòa củng cố và phát huy các giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới sẽ có những diễn biến phức tạp về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Chủ nghĩa dân tộc, cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo... là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia ảnh hưởng gián tiếp đến nước ta. Tác động của toàn cầu hóa, cách mạng 4.0 dẫn đến sự thâm nhập và ảnh hưởng của những luồng tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, trong đó không loại trừ những nội dung độc hại. Mặt khác, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. An ninh chính trị ở một số vùng dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Do vậy, cần thiết phải nhận diện rõ thực trạng công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó tập trung làm rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo để phát triển đất nước. Đồng thời, nhìn rõ thực trạng công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo, trong đó tập trung vào vai trò, trách nhiệm các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, lực lượng trực tiếp làm công tác dân tộc, tôn giáo; bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Từ đó, có giải pháp nâng cao vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc, tôn giáo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi một số nội dung về: Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong các giáo lý tôn giáo; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; công tác giáo dục, bồi dưỡng những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo trong hệ thống nhà trường; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở đối với việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số…
PV