1. Những ngày cuối tháng 4/1975, cách đây vừa tròn 40 năm, thực hiện nghiêm mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam", với sức mạnh hội tụ của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm giải phóng miền Nam, quân và dân ta trên khắp các chiến trường đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, “mở đường mà đi, đánh địch mà tiến”, nhằm tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn.
17 giờ ngày 26/4/l975, Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu, và giành thắng lợi trọn vẹn vào hồi 11h30 ngày 30/4/1975. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khát vọng và ý chí của toàn dân ta về một nước Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất đã trở thành hiện thực. Để có được một màu xuân toàn thắng đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở hai miền Nam- Bắc đã cùng chung nhịp đập trái tim, cùng chung khát vọng hòa bình, đồng lòng, gộp sức làm nên sức mạnh tất thắng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc trong hành trình đấu tranh với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần đoàn kết “triệu người như một”, là thắng lợi tất yếu của khát vọng độc lập, tự do và CNXH của Hồ Chí Minh – Người suốt đời “hiến dâng cho sự nghiệp tạo lập một nước Việt Nam thống nhất, thoát khỏi sự kiềm chế của nước ngoài”[1]. Hoài bão của Hồ Chí Minh, khát vọng của toàn dân tộc, con đường đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, và thống nhất của nhân dân Việt Nam vượt qua mọi thử thách, mọi gian nguy đã ngân vang bài ca chiến thắng. Sức mạnh tinh thần yêu nước, và sự đoàn kết, đồng tâm, đồng chí, đồng lòng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh được quán triệt và thực hiện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, không tách rời hệ tư tưởng của Người và của Đảng ta về mục tiêu: độc lập dân tộc và CNXH.
Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của sức mạnh nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước XHCN anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ, là ngày non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau, ngày vĩ tuyến 17 chỉ còn là di tích lịch sử một thời… đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một" và sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Với ý nghĩa đó, Đại thắng mùa Xuân 1975 không chỉ làm sáng tỏ tính hiện thực, tính phổ biến xu thế phát triển của loài người tiến bộ, góp phần động viên, cổ vũ các dân tộc dũng cảm, kiên cường giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người nói chung, mà còn nhân nguồn sức mạnh nội lực của quân và dân ta nói riêng trong hành trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN sau đó.
Như một tượng đài chiến thắng vĩ đại, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra một thời kỳ mới, đưa cả dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH, trở thành sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững bước trên con đường xây dựng CNXH mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc ảnh hưởng của Đại thắng mùa xuân 1975 mãi mãi khắc sâu nơi trái tim các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, như một nguồn sức mạnh nội lực của tinh thần, niềm tin và hy vọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước với hai miền bị chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết được giá trị sâu sắc của những năm tháng hoà bình, thống nhất và toàn vẹn Tổ quốc. Vì hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc đã phải tiến hành cuộc trường chinh kéo dài 30 năm. Vì thế, hơn ai hết, mỗi người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng hơn những thành quả có được sau gần 30 năm đất nước tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh đất nước hoà bình, thống nhất.
2. 40 năm sau thắng lợi của Đại thắng mùa xuân 1975, tình hình quốc tế và trong nước đã xuất hiện nhiều thuận lợi đi liền cùng thách thức, với những diễn biến phức tạp khôn lường. Các thế lực phản động, thù địch, với nhiều chiêu bài, nhiều thủ đoạn, không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại của Đại thắng mùa Xuân 1975, của tinh thần đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế, tiếp tục con đường đã lựa chọn: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”, “nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc” (Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung, phát triển năm 2011), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, “đi tắt, đón đầu” những thành tựu về khoa học và công nghệ, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hội nhập toàn diện. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, trên cơ sở phân tích sâu sắc bối cảnh quốc tế, những đặc điểm trong giai đoạn mới, Đảng ta khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng theo xu thế của thời đại, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH. Vì vậy, theo tinh thần từ nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV đến Đại hội XI: Việt Nam đi lên CNXH không chỉ là khát vọng của toàn dân tộc, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là hành trình phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phát huy tinh thần của mùa xuân toàn thắng, bài học đầu tiên cần phải nắm vững và tiếp tục thực hiện là xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân; thực hiện và phát huy dân chủ trong Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tài đức, gương mẫu đi đầu... gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị.
Bài học thứ hai tiếp tục phát huy là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”[2].
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là nội dung cốt lõi, là sợi chỉ đỏ, xuyên suốt trong thời đại Hồ Chí Minh, và với ý nghĩa đó, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược, không chỉ quan hệ chặt chẽ với nhau, mà còn là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước tiến lên. Vì vậy, trong bối cảnh mới, bài học thứ ba cần quán triệt là tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ giá trị của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn,v,v.. nhất là “sức mạnh đoàn kết một lòng, triệu người như một” đã từng góp phần làm nên những kỳ tích trong cuộc chiến tranh giải phóng. Để cùng với thời gian, nguồn sức mạnh nội lực ấy sẽ tiếp tục được nhân lên, làm lên những kỳ tích mới trong thời kỳ mới.
Để có thể đồng thời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh các thế lực phản động, các phần tử cơ hội vẫn ra sức xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi đa nguyên, đa đảng, đối lập mục tiêu độc lập dân tộc với CNXH, bài học thứ tư cần phát huy là tiếp tục thực hiện tư tưởng "lấy dân làm gốc", thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội; không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân; rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực…Trong đó, chặng đường trước mắt là thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đánh bại nghèo nàn, lạc hậu, với lực lượng mới, với vị thế và thời cơ mới. Đó chính là phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng; là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tinh thần hòa hợp dân tộc; là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Càng trong gian nan, thử thách của những biến động to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội trong xu thế toàn cầu hóa đang tác động đến tất cả các quốc gia, các dân tộc, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng: sức mạnh nào đưa dân tộc ta đến thắng lợi trong chiến tranh, cũng vẫn sẽ là một nhân tố quan trọng, góp phần đưa dân tộc ta đến thắng lợi trong hòa bình. Và với ý nghĩa đó, bài học thứ năm cần phát huy là kịp thời biểu dương, nhân rộng những tấm gương của các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân, giúp nhau trong hoạn nạn, v,v.. nhằm tạo nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Cùng với thời gian, ý chí, bản lĩnh và tinh thần của con người Việt Nam trong chiến tranh giải phóng đã được kế thừa và phát triển, góp phần đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong những thời điểm bước ngoặt. Thắng lợi và thành tựu của gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định: Việt Nam kiên định và thành công thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định con đường phát triển đất nước theo định hướng XHCN và bảo đảm hòa bình, giữ vững ổn định để phát triển đất nước, đã tạo ra những tiền đề cơ bản cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó là một đất nước luôn luôn ổn định về chính trị, xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, từng bước đánh bại nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, bài học thứ sáu chính là phát huy sức mạnh hoà hợp và đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục có những chính sách khuyến khích hiền tài, khơi nguồn lực của toàn xã hội, chăm lo tốt hơn nữa những vấn đề an sinh xã hội, tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Đó là tri ân đồng bào, đồng chí thủy chung, son sắt, chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Tri ân nhân dân các nước anh em và bạn bè yêu chuộng hòa bình, tự do công lý khắp năm châu suốt bao năm đã cổ vũ và giúp đỡ, đồng cảm và sẻ chia với Việt Nam trong hành trình đấu tranh cho độc lập và tự do…
40 năm sau, kế thừa và phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, các thế hệ con cháu người Việt Nam tiếp tục củng cố, bồi đắp ý thức về cội nguồn, về quá khứ hào hùng của dân tộc, để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa lớn lao và giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Tinh thần chiến thắng 30/4 là tiền đề cho cả dân tộc Việt Nam có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt qua gian khổ, khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Chiến thắng 30/4 còn là động lực để chúng ta vươn ra biển lớn trong công cuộc hội nhập quốc tế, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc mỗi người dân Việt Nam yêu nước không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ trong cuộc chiến tranh giải phóng sẽ là nguồn sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay… kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân ta đã lựa chọn cách đây hơn 85 năm./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
--------------
[1] Charles Fenn: Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh – một trong những lãnh tụ của tư tưởng hiện đại, tài liệu số H29c2/2, lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG- ST, H, 2011, tr.65