(TG)-Những hình ảnh, những thước phim tư liệu, những lời ca tiếng hát trong cầu truyền hình Mùa xuân đầu tiên đã khắc họa lòng yêu nước vô hạn của người dân Việt Nam, hình ảnh dân tộc Việt Nam bước ra từ chiến tranh, lòng yêu nước hòa hợp với lòng dân. Đó chính là tài sản vô giá để người dân Việt Nam hôm nay xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh hơn.
Tối 27-4, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cầu truyền hình mang chủ đề “Mùa xuân đầu tiên”. Đây là chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, song ký ức về những ngày tháng hành quân ra trận cùng chiến thắng hào hùng của quân và dân ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn luôn khắc đậm trong tim mỗi người Việt Nam. Thông qua những câu chuyện lịch sử đan xen những tiết mục văn nghệ đặc sắc, Cầu truyền hình Mùa xuân đầu tiên đã tái hiện lại hình ảnh 40 năm kể từ mùa xuân độc lập đầu tiên, đất nước đang chuyển mình thay đổi và hòa vào sự phát triển chung của toàn thế giới. Sự vững mạnh vươn lên của Việt Nam ngày hôm nay là thành quả từ những chiến công rực rỡ của cha anh trong hai cuộc kháng chiến trường kì, để mỗi dịp tháng Tư về, những người con Việt Nam lại bồi hồi nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mình.
Chiến tranh ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ được phương Tây biết đến qua những bức ảnh do phóng viên chiến trường phương Tây của AP, AFP, Life, UPI... thực hiện như Larry Burrows, Don McCullin, Griffiths, Chauvel, Caron... Trong khi đó những tác phẩm của các phóng viên ảnh miền Bắc Việt Nam rất ít người biết đến. Vì thế, trong một dự án dài hơi của một cựu phóng viên chiến trường người Pháp “Những người miền Bắc”, ông Patrick Chauvel, người cũng có mặt ở cuộc chiến tranh Việt Nam - Mỹ, đã tìm lại được những phóng viên chiến trường của “đối phương” ngày ấy. Ấn tượng với những bức ảnh thời chiến ở Việt Nam của “đối phương”, ông đã góp phần làm nên cuộc triển lãm “Phóng viên chiến trường”. Bởi theo ông, “những hình ảnh này sẽ kể cho chúng ta một phiên bản khác của câu chuyện chiến tranh Việt Nam”. Ông thực sự vui mừng khi quay trở lại Việt Nam, chứng kiến hình ảnh thay da đổi thịt của thành phố Hồ Chí Minh phát triển trong từng ngày. Câu chuyện và cảm xúc của ông đã khắc học về một thành phố Hồ Chí Minh phát triển hơn, toàn diện hơn, 40 năm là một quãng thời gian không dài nhưng đủ để một thành phố trẻ với những vấn đề hậu chiến vươn lên vững mạnh.
Để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của công tác binh vận, dân vận trong sự nghiệp cách mạng quần chúng nhân dân. Thông qua cầu truyền hình Mùa xuân đầu tiên, thế hệ trẻ hôm nay đã được gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử của công tác binh vận như bà Nguyễn Thị Bé Bảy, Bùi Thị Ngọc Hường… (Trung ương cục Miền Nam). Có thể thấy, trong cuộc chiến tranh nhân dân, công tác binh vận đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nhân dân từ nông thôn đến thành thị, mọi ngành, mọi giới, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, từ người già đến trẻ nhỏ, gia đình binh sĩ... ở đâu có binh sĩ địch là ở đó có hoạt động binh vận, với nhiều hình thức phong phú như: Vận động đào rã ngũ, hướng dẫn làm binh biến, tuyên truyền giác ngộ binh sĩ, móc nối xây dựng cơ sở, phát hiện bọn điệp báo phản bội... Công tác binh vận đã lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt nhiên không báo oán trả thù, thực hiện đúng chính sách khoan hồng đối với tù binh, hàng binh, có chính sách phù hợp sử dụng binh lính, sĩ quan, tướng tá địch trong trường hợp họ thật tâm quay về với nhân dân, với cách mạng… Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị đã đánh giá: “Binh vận là một mũi tiến công chiến lược nhằm tan rã quân đội địch, nhất là để phá tan chính sách dùng “người Việt đánh người Việt” vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ”.
Thật đặc biệt hơn nữa khi cầu truyền hình Mùa xuân đầu tiên đã thực sự trở thành cầu nối giữa những người con xa xứ và Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Những tình cảm của Hội người Việt Nam tại Pháp, sự xúc động của những người con xa xứ trong “Chiến dịch Babylift” – di tản trẻ mồ côi Việt Nam từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác vào tháng 4-1975… Họ trở về tìm lại nguồn cội trong hai tiếng Việt Nam. Trong số họ, có người đã trở về Việt Nam nhiều lần, có người mới trở về Việt Nam lần đầu tiên. Bà Võ Thị Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ tại cầu truyền hình: “Những người con xa xứ trở về với Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện đúng đạo lý của dân tộc lá rụng về cội. Đất nước chúng ta đã dang rộng vòng tay đón những người con xa xứ về nước. Đây là những người con có số phận đặc biệt. Chúng ta càng cần dang rộng vòng tay và tạo điều kiện cho họ sớm tìm được người thân. Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh cũng như tất cả các cơ quan chức năng đã, đang và sẽ làm hết sức mình, để trở thành nhịp cầu góp phần cho người Việt Nam xa xứ gắn bó với quê hương, để sau 40 năm đất nước hòa bình, thống nhất, tất cả những người Việt Nam đều được trở về với Tổ quốc mình”.
Trên khắp cả nước hôm nay nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đã sôi nổi diễn ra các hoạt động hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại hơn 2000 nghĩa trang trên cả nước; viếng thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sác. Đó chính là những tình cảm tri ân của thế hệ trẻ ngày nay với lớp cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Những hình ảnh, những thước phim tư liệu, những lời ca tiếng hát trong cầu truyền hình Mùa xuân đầu tiên đã khắc họa lòng yêu nước vô hạn của người dân Việt Nam, hình ảnh dân tộc Việt Nam bước ra từ chiến tranh. Lòng yêu nước hòa hợp với lòng dân. Đó chính là tài sản vô hạn để người dân Việt Nam hôm nay xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh hơn.
Xuyên suốt cầu truyền hình Mùa xuân đầu tiên, khán giả cả nước được đến nhiều nơi, được lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện mà mọi con dân đất Việt không tiếc thân mình để mong đến ngày thống nhất đất nước. Sau 40 năm, tất cả các trái tim cũng hướng về miền Nam ruột thịt. Xin được mượn lời của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân để khép lại hành trình Mùa xuân đầu tiên của dân tộc: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không bao giờ quên công lao to lớn của anh hùng liệt sỹ, của Bác Hồ kính yêu đã trọn đời cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp dân tộc. Trong giờ phút này, càng không bao giờ có thể quên được đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố, đã đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn. Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm cùng đồng bào thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thu Hằng