Việt Nam là đất nước có nhiều di tích. Theo thống kê đến tháng 7/2018, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.463 di tích cấp quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích ở nước ta đa dạng về loại hình nên vấn đề quy hoạch, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích (bảo tồn di tích) là một vấn đề lớn, can hệ đến nhiều người. Trong những năm qua, không ít di tích đã bị hủy hoại hoặc bị suy giảm giá trị do những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi.
Việc lấy ý kiến của cộng đồng và những cá nhân, tổ chức có liên quan đến di tích; tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia; tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật không chỉ thể hiện trách nhiệm cộng đồng, mà còn bảo đảm cho công tác quy hoạch, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được thực hiện một cách có hiệu quả.
Nói đến di tích là nói đến những di sản vật thể, nói đến những vấn đề chuyên môn sâu, do đó, việc bảo tồn di tích không thể thiếu sự góp mặt của cộng đồng, chuyên gia.
Cuối năm 2018, các chuyên gia hàng đầu cả nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích đã tham dự một hội thảo khoa học lớn do Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Đối tượng di tích được phân tích, mổ xẻ trong hội thảo này là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Bắc Ninh-nơi có mật độ di tích dày đặc.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn di tích, đó là: Bảo tồn những giá trị cốt lõi; bảo tồn di tích gắn với bảo tồn môi trường, cảnh quan; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; ngoài ra còn có nguyên tắc ứng xử với những thành phần di tích thuộc nhiều niên đại chồng lấn, đan xen.
Bảo tồn di tích là việc làm rất khó nên cần có sự vào cuộc, tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia. Vấn đề là các chuyên gia cũng như các cơ quan chuyên môn cần sát sao, kề vai sát cánh cùng cộng đồng hơn nữa.
Thời gian qua, ở một số di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch có hiện tượng mở rộng, xây mới khiến di tích đứng trước nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị giảm giá trị. Đây là một thực tế cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan, bởi nhu cầu khai thác hiệu quả kinh tế, du lịch của di tích là có thực và việc ấy cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đi tham quan, hành hương, trẩy hội.
Song, để tôn vinh, bảo tồn những giá trị cốt lõi của di tích cộng đồng cũng cần có những bước đi phù hợp. Nghị định số 166/2018/NĐ-CP đã quy định rất rõ ràng và cụ thể đối với công tác quy hoạch di tích, trong đó nhấn mạnh việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến di tích. Đây là việc làm hết sức cần thiết để phát huy tinh thần sáng tạo cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn di tích.
Bài học kinh nghiệm từ công tác bảo tồn di tích ở Bắc Ninh cho thấy, khi cộng đồng vào cuộc thì các nguồn lực rất dồi dào, công tác bảo tồn di tích rất thuận tiện.
Xét đến tận cùng thì chính cộng đồng mới là đối tượng sáng tạo, gìn giữ và thụ hưởng những tinh hoa, giá trị của kho tàng di sản văn hóa cha ông để lại, trong đó, di tích chỉ là phần vật chất. Hơn thế, nhiều di sản văn hóa cần có sự song hành giữa “bộ đôi” di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể để giá trị trở nên thăng hoa, ví như di tích Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di tích Cố đô Huế và nhã nhạc cung đình…
Rõ ràng, không một tổ chức, cá nhân nào có thể thay cộng đồng làm được. Chỉ có gắn kết trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo của cộng đồng thì công tác bảo tồn di tích mới trở nên thuận lợi, hiệu quả./.
Nguyên Phong (qdnd.vn)