Nơi hội tụ của vùng đất phương Nam trong mạch nguồn dân tộc
Trong mỗi người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung, ai ai cũng thấy nao lòng và dâng trào cảm xúc mỗi khi nhắc đến những vần thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:
“Ai về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
Trải qua những biến thiên của lịch sử tự nhiên, vào thế kỷ 16, 17, thành phố Biên Hoà vẫn là vùng đất hoang vu, rừng rậm, sình lầy. Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên đứng đầu được định cư ở xứ Đồng Nai. Họ vào Cù lao phố cùng với người Việt đã sinh sống ở đây từ trước, chung tay khai phá, xây dựng nên xóm làng, biến nơi đây thành một phố cảng sầm uất, năng động nhất xứ Đàng Trong một thời. Năm 1698, kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh phục mạng chúa Hiền vào xứ Đồng Nai thiết lập bộ máy hành chính, tổ chức các trấn, phủ, huyện...
Lịch sử xứ Đồng Nai từ đây bước sang trang mới với tên gọi Trấn Biên và sau này là Biên Hòa. Có thể nói đây là lần thứ hai, Đồng Nai nhận “trách nhiệm” của một vùng động lực kinh tế, xã hội. Là nơi hội tụ, là điểm xuất phát và hoạch định công cuộc chinh phục vùng bình nguyên châu thổ sông Cửu Long màu mỡ bạt ngàn. Như vậy có thể nói, việc tổ chức hành chính ở vùng đất mới, trong đó có Biên Hòa - Đồng Nai đã có từ thế kỷ XVII xuất phát từ yêu cầu “khai sơn, mở cõi” của các vua, chúa ngày xưa cũng như một tất yếu của lịch sử dân tộc. Và ở phương trời Nam xa xôi ấy, mỗi người dân đất Việt với sứ mệnh “mang gươm mở cõi” vẫn một lòng hướng về nguồn cội “dòng máu Lạc Hồng”, về “trái tim” của đất nước là mảnh đất “Thăng Long ngàn năm văn hiến anh hùng”. Để từ đó thêm tự hào, thêm động lực, quyết tâm, kế thừa và phát huy cao nhất truyền thống của dân tộc Việt Nam “giản dị mà anh hùng”, và tháng 02/1946, đồng bào miền Nam vinh dự được Bác Hồ thay mặt Chính phủ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” vẻ vang. Hay nói cách khác, giá trị tinh thần truyền thống của nhân dân ta được thể hiện mãnh liệt trong khí phách “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và trong tinh thần chấp nhận mọi hy sinh để “Đi trước về sau” của nhân dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến thần thánh.
Cùng với sự hội tụ theo dòng lịch sử, thành phố Biên Hòa là vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, dung hòa, tiếp biến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc từ những lớp cư dân Việt, kết hợp với văn hóa dân tộc Hoa và các dân tộc bản địa… tạo nên một sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, rộng mở chứ không khép kín, đan xen chứ không tan biến. Văn miếu Trấn Biên được chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng từ năm Ất Mùi 1715 ở thôn Tân Lại, Bạch Khôi (nay thuộc phường Bửu Long), một trong những văn miếu xây dựng sớm nhất ở Nam Bộ. Đó là nơi đào tạo nhân tài, đồng thời là nơi giữ gìn, truyền nối văn hóa, truyền thống hiếu học của dân tộc. Hàng năm các chúa Nguyễn, các vị quan lại 12 ở Trấn Biên đều đến Văn miếu tế cáo trời đất, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Ngày nay, Văn miếu Trấn Biên - Một Văn miếu phương Nam hay "Văn Miếu Quốc Tử Giám" của Nam Bộ đã góp phần tô đẹp thêm hào khí, truyền thống hiếu học, nhân văn, “trọng kiến thức, kính nhân tài” của đất và người Biên Hòa - Đồng Nai.
Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng, tín ngưỡng tâm linh ở thành phố cũng phát triển đa dạng. Những di tích thắng cảnh, đình, chùa ở thành phố Biên Hoà là một biểu hiện sinh động khẳng định sự có mặt và vai trò của cộng đồng người Việt ở mảnh đất này. Nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia như Chùa Đại Giác, Long Thiền, Bửu Phong, Thành Biên Hòa…
Nhân dân thành phố Biên Hòa có truyền thống đấu tranh anh hùng, đoàn kết một lòng, chống áp bức, bóc lột, và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, nhân dân thành phố Biên Hòa tuy sống trong vùng địch kiểm soát, bị kìm kẹp nặng nề, vẫn một lòng hướng về cách mạng; đó là sự ra đời của các chi bộ cộng sản tiên phong ở Phú Riềng, Cam Tiêm, Dépot Dĩ An, nhà máy cưa BIF, Bình Phước, Tân Triều… từ những năm 1930.
Trong thời kỳ chống Mỹ, quân dân thành phố Biên Hòa đã làm nên những dấu son trong lịch sử với những sự kiện tiêu biểu: Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, trận diệt Mỹ đầu tiên ở Nhà Xanh, trận pháo kích vào sân bay Biên Hoà. Xây dựng “vành đai đánh Mỹ” để bám trụ và liên tục tiến công các cơ quan chỉ huy, căn cứ, kho tàng quân sự của địch như: Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình; tham gia hai cuộc tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, xuân Kỷ Dậu 1969,… và người dân Biên Hòa - Đồng Nai đã gan góc, can trường cùng với cả nước làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chói lòa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối.
Có thể khẳng định, Biên Hòa - Đồng Nai đã được lịch sử chọn lựa là điểm dừng chân, là nơi hội tụ từ thuở sơ khai trong hành trình “mở cõi” về phương Nam của các vua, chúa ngày xưa. Theo dòng chảy lịch sử, Biên Hòa - Đồng Nai đã trở thành nơi tiếp nối mạch nguồn văn hóa, tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc, tạo nên “Hào khí Đồng Nai”; tô điểm thêm những dấu son trong lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.
Phát triển trong xu thế hội nhập
Hơn 40 năm qua, những thành quả trong từng chặng đường đi lên của thành phố từ sau mùa xuân đại thắng 1975, bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ với đường lối cách mạng sáng tạo, đặc biệt đường lối đổi mới từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng; từ sự năng động của Đảng bộ và nhân dân thành phố, luôn luôn tìm tòi, thử nghiệm và từng bước tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong tiến trình phát triển; là kết quả của tinh thần lao động kiên trì, sáng tạo của các giai cấp, tầng lớp nhân dân thành phố; kết quả của truyền thống đoàn kết, tư tưởng chủ động, không sợ khó khăn trước những thử thách mới. Có đường lối đổi mới của Đảng, ngày nay, với vị thế là đô thị loại I, là thành phố anh hùng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Nai, Đảng bộ và nhân dân thành phố Biên Hòa đang cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước phát huy truyền thống, không ngừng phấn đấu vươn lên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Và lần thứ ba, Đồng Nai - Biên Hòa nhận “trách nhiệm” cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu tạo thành một tam giác động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Xác định rõ lợi thế và tầm quan trọng của Biên Hòa, trong những năm qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... trên địa bàn thành phố. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang định hướng để phát triển Biên Hòa trở thành thành phố thông minh. Để đưa thành phố Biên Hòa ngày càng phát triển, phát huy tốt lợi thế so sánh, xứng đáng với truyền thống, tiềm năng và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền thành phố Biên Hòa cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của một địa phương đầu tàu của tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; là nhân tố tạo sức lan tỏa cho các địa phương khác trong tỉnh phát triển; là địa phương có vai trò, trách nhiệm lớn trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu mạnh, văn minh.
Thứ hai, khai thác và phát huy tối đa lợi thế so sánh, phát huy tối đa nội lực của thành phố, kết hợp và tranh thủ tối đa hoạt động hợp tác với các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất, công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Tạo tiền đề nội tại để thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh theo định hướng của tỉnh.
Thứ ba, kết hợp hài hòa 3 yếu tố: phát triển - môi trường - xã hội. Coi trọng giáo dục ý thức truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội. Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống văn hóa mang nét đặc trưng của 320 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, thiết kế đô thị; nâng cao năng lực quản lý quy hoạch - kiến trúc, quản lý đô thị, quản lý đất đai. Huy động đi đôi với việc tổ chức, bố trí hợp lý các nguồn vốn, nhất là vốn xã hội hóa để đầu tư, tạo bước đột phá, chuyển biến mới về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.
Thứ năm, tiếp tục lãnh đạo và tổ chức tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu. Thường xuyên dự báo, nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, chủ động ngăn chặn và xử lý kiên quyết, kịp thời, khôn khéo các tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ.
Thứ sáu, tích cực thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu và giải quyết kịp thời, thỏa đáng những lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, tinh gọn, năng động, hoạt động có hiệu quả.
Trong thời kỳ hội nhập, với mục tiêu xây dựng thành phố Biên Hòa là đô thị tổng hợp cấp vùng loại I, và xa hơn là thành phố thông minh; là trung tâm công nghiệp và đầu mối giao lưu quan trọng của Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn; có vị thế xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ... của tỉnh nhà. Nhiệm vụ là rất nặng nề nhưng cũng rất đáng tự hào, chúng ta tin rằng với truyền thống của 320 năm lịch sử, anh hùng, hội tụ và tiếp nối, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Biên Hòa - Đồng Nai sẽ luôn đoàn kết, đồng tâm, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo, tận dụng và khai thác tốt những thời cơ và thế mạnh, cùng cả tỉnh, cả nước tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Hữu Thọ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai