THEO DÒNG LỊCH SỬ...
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu, ngày 26-6-1963 về việc “Thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các cấp”, Ngành Tuyên giáo tỉnh Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên) ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Ngành Tuyên giáo được hình thành và phát triển ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tham mưu cấp ủy, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tuyên giáo trên địa bàn tỉnh. 60 năm qua, kể từ ngày 26/6/1963, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc và có những đóng góp xứng đáng vào thành quả của cách mạng của Đảng bộ tỉnh.
Giai đoạn cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù mới thành lập, Ngành Tuyên giáo tỉnh đã tích cực tham mưu cấp ủy trong lĩnh vực chính trị tư tưởng, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát thực tiễn sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu để tuyên truyền, vận động quần chúng. Do đó, đã góp phần vào nhiệm vụ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đảm bảo yêu cầu chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Lào. Đồng thời ra sức thi đua phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, củng cố hậu phương vững mạnh, tiến tới đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, công tác tuyên giáo đã tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội, chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2-1979, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, những khó khăn, thử thách đã tăng lên gấp bội, đặc biệt là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, tình hình lại càng phức tạp. Niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động. Đường lối đổi mới của Đảng với những cơ chế chính sách đúng đắn, hợp lòng dân đã đưa đất nước vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.Công tác tuyên giáo thời kỳ này đã tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh dựa vào nội lực là chính, từng bước khắc phục khó khăn, giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hoàn thành tốt chức năng là cơ quan tham mưu và giúp việc cho Tỉnh ủy về các lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, khoa giáo và biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương.
CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP
Những năm gần đây, trong bối cảnh diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực như chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột vũ trang, vấn đề tranh chấp quyền và chủ quyền trên biển Đông; gần đây là những hệ lụy, thách thức từ đại dịch Covid-19; công tác tuyên giáo đã tập trung cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân; phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, tôn vinh các giá trị văn hóa và đạo đức, những tấm gương người tốt, việc tốt, nâng cao đạo đức xã hội đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của các cấp ủy, chính sách của Nhà nước, nhất là thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc quán triệt Chỉ thị, nghị quyết của Đảng được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hàng chục ngàn lượt người tham dự. Hiện tại, hầu hết các sở, ngành đã có phòng họp trực tuyến; 100% cấp huyện có phòng họp trực tuyến; 9/10 huyện kết nối đường truyền trực tuyến tới cấp xã (riêng huyện Mường Nhé đang phấn đấu thực hiện kết nối đường truyền trực tuyến tới cấp xã nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ).
Các lĩnh vực công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chuyển biến sâu sắc và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần cùng toàn Đảng bộ tỉnh, dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XIII, XIV của Đảng bộ tỉnh và Đại hội đảng bộ các cấp, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, đạo đức, lối sống trong các trường phổ thông; công tác lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục chính trị trong các trường cao đẳng, dạy nghề được chú trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của thực tiễn. Công tác tham mưu trên các lĩnh vực khoa giáo ngày càng chủ động, có nhiều chuyển biến quan trọng. Công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Đảng bộ ngày càng lớn mạnh. Khi mới thành lập, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ có 3 đồng chí; Ban Tuyên giáo huyện gồm một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy hoặc Huyện ủy viên phụ trách công tác tuyên giáo làm trưởng ban, một phó trưởng ban và một số cán bộ. Đến quý II/2023, toàn tỉnh có 73 đồng chí cán bộ chuyên trách công tác ở Ban Tuyên giáo tỉnh và 14 Đảng bộ trực thuộc tỉnh; 15 đồng chí làm công tác Tuyên giáo ở MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh; 05 Báo cáo viên Trung ương; 50 Báo cáo viên cấp tỉnh, 496 Báo cáo viên cấp huyện; 2751 tuyên truyền viên cơ sở; 33 giảng viên Trường chính trị tỉnh và 22 giảng viên thuộc Trung tâm Chính trị huyện, thị, thành phố. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có khả năng tổ chức và hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên giáo mà Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng giao cho.
TIẾP NỐI CHẶNG ĐƯỜNG THẮP LỬA NIỀM TIN
Trong những năm tới, bối cảnh trong nước và quốc tế tiếp tục có những tác động sâu sắc cả về thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đan xen. Vì vậy, ngành Tuyên giáo cần nhận thức và xác định rõ vị trí, vai trò của ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo sự thống nhất trong đảng bộ, đồng thuận trong xã hội, bảo đảm sự ổn định vững chắc trận địa tư tưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy ban hành các chủ trương lớntăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trước mắt, tập trung tham mưu cấp uỷ triển khai các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Toàn ngành tiếp tục tham mưu cấp uỷ đổi mới việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tăng cường thông tin, cổ vũ các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Đổi mới sâu sắc, quyết liệt hơn nữa công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; chú trọng công tác tham mưu thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo,dạy nghề, khoa học, công nghệ, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em...
Tăng cường đấu tranh chống những tư tưởng sai trái, những thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch để bảo vệ lý tưởng cách mạng, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả mọi loại hình phương tiện, mọi lực lượng trong xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ công tác tuyên giáo. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Tuyên giáo; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tuyên giáo trong tình hình mới.
Phát huy truyền thống 60 năm vẻ vang, chắc chắn rằng, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu và kết quả to lớn hơn nữa. Để tiếp nối chặng đường thắp lửa niềm tin, ngành Tuyên giáo Điện Biên sẽ quyết tâm thực hiện phương châm “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ”.Mỗi cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo là một chiến sỹ trên mặt trận tuyên giáo của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn./.
Lò Thị Minh Phượng
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên