NHỮNG GIÁ TRỊ QUAN TRỌNG VỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay đang được Đảng ta chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, không có vùng cấm, trở thành một cuộc chiến không khoan nhượng, không được phép “chùn chân”, “mỏi gối” và đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực, tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời đã tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; đúc rút được những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng nhưng đưa ra những bài học kinh nghiệm hết sức thiết thực và quý báu. Các bài viết trong cuốn sách hàm chứa những giá trị quan trọng về lý luận và thực tiễn đã cho thấy tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là đặt vấn đề trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực, để tạo nên sự thống nhất tư tưởng trong toàn xã hội, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện những mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hiện nay, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là đòi hỏi tất yếu. Và “gốc” của vấn đề có tính chất quyết định mọi thắng lợi vẫn là đội ngũ cán bộ, đảng viên và yêu cầu bức bách đặt ra là đổi mới, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Do vậy, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý, có phong cách làm việc mới, có sức chiến đấu cao, đáp ứng được yêu cầu mới. Theo Tổng Bí thư, muốn đổi mới được đội ngũ cán bộ, phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ và đổi mới quan điểm về đánh giá cán bộ. Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị để bố trí cán bộ... Việc lựa chọn cán bộ phải được tiến hành một cách khách quan, vô tư, xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng và từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng.
Có thể khẳng định, nghiên cứu, học tập cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn hệ thống chính trị, cũng như đối với cán bộ, công chức viên chức và Nhân dân cả nước. Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu có giá trị, bổ ích, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của Nhân dân và toàn hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, như phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày 30/6/2022: “Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”.
TRIỂN KHAI ĐỢT SINH HOẠT CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG SÂU RỘNG VỀ NỘI DUNG CUỐN SÁCH
Nhằm mục đích lan tỏa sâu rộng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và toàn hệ thống chính trị về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung cuốn sách cho cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Từ sau hội nghị cấp tỉnh, ở cơ sở, các địa phương, đơn vị cũng lên kế hoạch và tổ chức các hội nghị, sinh hoạt nhằm nghiên cứu, học tập nội dung cuốn sách.
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang. Trường có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã; trưởng, phó phòng, ban cấp huyện; trưởng, phó phòng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và cán bộ dự nguồn các chức danh về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lý luận chính trị - hành chính; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác;...
Phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên quán triệt, triển khai tổ chức có hiệu quả hoạt động công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở. Trường không những bồi dưỡng hệ thống tri thức khoa học, cách mạng mà còn định hướng tư tưởng, củng cố lòng tin nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch có liên quan ở từng môn học, từng chuyên đề, qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên có đủ sức đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch; giúp cho họ hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị. Qua đó, nhà trường luôn khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của một trung tâm giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị ở tỉnh Bắc Giang.
Từ vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, việc nghiên cứu, học tập cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại càng trở nên cấp thiết. Nội dung của cuốn sách sẽ là những định hướng, cẩm nang để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, vừa để cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tự soi, tự sửa, từ đó tham gia tích cực, hiệu quả trong xây dựng Đảng ủy, chi bộ trực thuộc trong sạch vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao cho. Để quán triệt, nắm chắc nội dung và vận dụng đúng đắn, sâu sắc những nội dung của cuốn sách vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhà trường cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, học viên trường chính trị cấp tỉnh cần nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập lý luận chính trị hiện nay. Thực hiện tốt giải pháp này cũng chính là thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị cấp tỉnh đã được quy định tại Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ hai, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên đi đào tạo, tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức mới. Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng nhằm phát huy thế mạnh của những đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương giàu kinh nghiệm thực tiễn, có chuyên môn sâu, có kỹ năng tốt. Phát huy lợi thế của trường chính trị trên mặt trận tư tưởng lý luận, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, hướng đến mỗi giảng viên, báo cáo viên phải trở thành những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, quá trình giảng dạy cần bảo đảm không những truyền đạt đúng, đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, mà còn đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải am hiểu thực tiễn sâu sắc, biết phân tích làm sáng tỏ các vấn đề lý luận góp phần hình thành tư duy khoa học cho người học chống lại các thông tin sai trái. Đó cũng chính là giải pháp, là con đường phủ nhận các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch hữu hiệu, tin cậy nhất. Chủ động lồng ghép, tích hợp có hiệu quả nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng vào quá trình giảng dạy phù hợp với từng loại hình lớp học, từng khóa đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, trong từng bài giảng, từng chuyên đề học tập.
Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy theo hướng tích cực hóa vai trò người học, bảo đảm trao đổi thông tin hai chiều trong quá trình lên lớp, tăng cường phản hồi, trao đổi, nêu quan điểm trong giảng dạy, học tập lý luận chính trị, qua đó kịp thời truyền đạt thông tin, định hướng đúng đắn, hình thành thái độ, niềm tin và bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và học viên.
Thứ tư, nghiên cứu,xây dựng và triển khai áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ISO:9001-2015 nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực và hiệu quả trong việc quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tăng cường số lượng, chất lượng các bài nghiên cứu trên các tạp chí trung ương, địa phương và bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” của các trường chính trị gắn với công cuộc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học, xuất bản ấn phẩm “Thông tin lý luận và thực tiễn”, trang web, các kỳ sinh hoạt chuyên đề chi bộ… trong đó trọng tâm làm rõ bối cảnh, những biểu hiện, diễn biến, biện pháp bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, những giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương, kỷ luật phát ngôn, tích cực tu dưỡng và gìn giữ đạo đức, lối sống… để có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có tư duy khoa học, có lý luận sắc bén và đạo đức, lối sống gương mẫu… xứng đáng trở thành người đi đầu trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thứ năm, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh
Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên trong nhà trường. Môi trường văn hóa lành mạnh là cái nôi nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, do vậy, cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực, tự giác, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương. Xây dựng lối sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của con người Bắc Giang nói chung, cán bộ, đảng viên của trường đảng tỉnh nói riêng. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, học viên trường chính trị cần không ngừng nỗ lực, phấn đấu để ngày càng tiến bộ hơn; nội bộ đoàn kết tốt hơn; nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định học tập, rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao nhất trong đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái trong nội bộ. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong công tác quản lý, chấp hành kỷ luật, đồng thời kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII: “Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; phát hiện, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương đảng viên xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực; kịp thời nhắc nhở, giáo dục, giúp đỡ đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc khi có khuyết điểm, vi phạm” [2, tr.174].
Thứ sáu, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên trong Nhà trường
Cần thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan theo quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thực hành dân chủ thực sự, quan tâm động viên cán bộ, đảng viên đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch; bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các quy chế nội bộ, quy chế quản lý tài chính, tài sản, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để từng bước và ngày càng nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường. Đặc biệt, cần phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên; thường xuyên khích lệ, động viên kịp thời những sáng kiến, thành tích để tạo động lực tinh thần cho họ phấn đấu; quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, thi nâng ngạch đúng quy định; tham gia tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đúng quy định, khách quan, dân chủ việc quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; đảm bảo các chế độ chính sách, đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên. Chú trọng việc đóng bảo hiểm xã hội, nâng lương định kỳ, vượt khung, nâng lương trước thời hạn, nâng chuyển ngạch kịp thời; kịp thời thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách vào dịp lễ, tết, khi ốm đau, gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoăc gặp những biến cố bất thường,…
Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, rõ ràng cần phát huy vai trò, chức năng của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để tạo ra sức mạnh chung, sự đồng thuận của một khối đoàn kết, thống nhất, chung sức hoàn thành nhiệm vụ. Và cốt yếu vẫn là ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của từng cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần – kiệm – liêm – chính – chí công vô tư, góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh./.
TS Bùi Văn Huấn
TS Trần Thúy Hoàn
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang