Ngày 16/9, tại Thái Nguyên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị phát
huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số
và góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, nội dung đổi mới
công tác dân tộc của Mặt trận.
Hội nghị có sự tham dự của 14 đại biểu đại diện cho 5.558 người uy tín
của 11 dân tộc thuộc 7 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc: Thái Nguyên,
Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang.
Xác định vị trí, vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về tình hình
số lượng, cơ cấu thành phần, những nội dung, hình thức; các mô hình,
kinh nghiệm về phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong công
tác vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đề xuất, kiến nghị ban hành
những chính sách phù hợp để phát huy tốt vai trò của người có uy tín
tiêu biểu.
Trong những năm qua, xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của người
có uy tín tiêu biểu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống
triển khai thực hiện các nội dung giải pháp phát huy vai trò của người
có uy tín tiêu biểu. Cụ thể, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền
vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các
cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
phát động.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh vùng đồng bào
dân tộc thiểu số sinh sống đã triển khai tổ chức thực hiện, ban hành các
văn bản chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và Ban Công tác Mặt
trận ở khu dân cư tiến hành lựa chọn người uy tín tiêu biểu; tăng cường
phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong thực hiện các cuộc
vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức
thành viên phát động, các phong trào phát triển kinh tế-xã hội ở các địa
phương.
Hiện, Việt Nam có 29.885 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số ở tất
cả các lĩnh vực tiêu biểu trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo;
trong bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc; trong bảo vệ an ninh
trật tự, bảo vệ cột mốc biên giới, hòa giải cộng đồng...
Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò
quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, là “cầu nối” rất năng động giữa các dòng họ, giữa dân tộc này với
dân tộc khác và giữa dân với Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc
Để tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo văn kiện
Đại hội XII của Đảng về nội dung công tác dân tộc, các đại biểu đã thảo
luận, góp ý trực tiếp vào nội dung phần đánh giá tình hình về phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phương hướng, nhiệm vụ về nội dung
công tác dân tộc trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Các đại biểu đánh giá dự thảo văn kiện đã nêu tương đối đầy đủ, bao quát
về tình hình phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuy
nhiên, cần đánh giá bổ sung thêm những bất cập trong công tác vận động
đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác vận động phát huy
vai trò của những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu
số ở một số địa phương, cơ sở chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò
và tầm quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây
dựng, bảo vệ Tổ quốc nên chưa chú trọng đến công tác chỉ đạo triển khai
và phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số...
Nhiều đại biểu cho rằng hiện nay Luật dân tộc qua các thời kỳ đều đã đề
cập đến nhưng chưa được xây dựng ban hành; việc đầu tư cho vùng dân tộc
miền núi vừa qua rất dàn trải, có chỗ hiệu quả thấp nên cần tập trung
đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Các đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp
tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân tộc và các cơ chế chính sách,
tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên,
Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng,
tạo điều kiện cho người có uy tín phát triển sản xuất, cải thiện đời
sống; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực,
chăm lo xậy dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; tăng cường kiểm
tra, giám sát, đánh giá kết quả hiện các chủ trương, chính sách dân tộc
của Đảng và Nhà nước ở các cấp; chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những
âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…
Về lâu về dài, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có sự quan
tâm, xây dựng quy chế phát huy vai trò người có uy tín trong thời kỳ mới
nhằm hình thành một đội ngũ người uy tín trong các dân tộc vững mạnh,
góp phần tạo nên sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp
đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với trên 13
triệu người, chiếm gần 15% dân số, là lực lượng rất quan trọng. Bà con
dân tộc thiểu số đóng góp quan trọng vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh
ổn định biên giới Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở về
việc đoàn kết trong dân, trong Đảng, không có đoàn kết các đồng bào dân
tộc sẽ không có đất nước Việt Nam hôm nay, đó là một thuộc tính quan
trọng của dân tộc Việt Nam. Việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc
cần biết tiếng, hiểu rõ phong tục của bà con, vì vậy cần xây dựng cán bộ
Mặt trận là người dân tộc thiểu số có vai trò quyết định trong đoàn
kết, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát huy vai trò của người
uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã khá hiệu
quả nhưng cần tiếp tục có giải pháp để phát huy tốt hơn.
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của người có uy tín tiêu biểu trong
đồng bào các dân tộc thiểu số, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định
thời gian qua, người có uy tín đã góp phần tuyên truyền phổ biến chủ
trương của Đảng, nhà nước; liên kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; vận
động nhân dân phát triển giao thông, bảo vệ môi trường; vận động nhân
dân giữ vũng trật tự trị an, an toàn xã hội; đóng góp vào phát huy
truyền thống văn hóa các dân tộc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong thời gian tới, người có uy tín
trong đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục vận động bà con cùng
nhau làm ăn xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường, bảo đảm trật tự trị
an trên địa bàn.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII
vừa công bố tiếp tục khẳng định việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu
số. Cần đề cao quyền của người dân và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng,
chính quyền về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân
tộc. Với vai trò đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị để làm tốt hơn
công tác vận động bà con dân tộc thiểu số.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn
Thiện Nhân và Đoàn công tác đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và trồng
cây lưu niệm tại An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên./.
(TTXVN)