Hiện tượng một bộ phận người Việt Nam quan niệm phải lấy tên Tây, hay nói năng phải có vài "tiếng Tây",... đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc, và được tác giả Nam Xương khái quát qua nhan đề một vở kịch đã trở thành một thành ngữ, là... Ông tây An Nam! Hiện tượng này tưởng chừng đã phai nhạt nhưng gần đây có xu hướng quay lại, khi mà với rất nhiều người, học tiếng Anh được coi như một thứ "mốt". Ðương nhiên, việc học tập từ bất cứ phương diện nào cũng là cần khuyến khích; nhưng học theo trào lưu, học không rõ để làm gì thì sẽ chẳng dẫn đến đâu; bởi vậy, có dạo dư luận xã hội gọi các trung tâm tiếng Anh là "trung tâm hẹn hò"! Cùng với đó là "làn sóng phổ cập tiếng Anh", mà biểu hiện rõ nhất là trào lưu đặt tên công ty, tên nhà hàng, cửa hiệu bằng tiếng nước ngoài.
Cho đến nay, số công ty hay doanh nghiệp được coi là "thức thời" vì đã nắm bắt cơ hội, nhanh chóng thành lập dưới những cái tên "quốc tế", có "tính toàn cầu" cùng các biển hiệu, biển quảng cáo viết bằng tiếng nước ngoài xuất hiện rất nhiều, kể cả khi công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít có liên quan tới yếu tố nước ngoài. Tới bất kỳ thành phố, thị xã, thị trấn, thậm chí khu vực trung tâm hành chính của một làng xã có hoạt động kinh doanh là sẽ gặp các cửa hàng có sản phẩm Việt Nam bán cho người Việt Nam nhưng lại trưng ra mấy cái biển hiệu nước ngoài, đôi khi sai ngữ pháp đến tệ hại mà ngay người nước ngoài cũng "chào thua" vì không sao hiểu nổi. Không chỉ thế, những dòng chữ này luôn có kích cỡ lớn, choán gần hết biển hiệu, trong khi chữ tiếng Việt bị co lại ở một góc nhỏ nằm phía dưới. Thậm chí không ít cửa hiệu chỉ trưng biển hiệu quảng cáo bằng tiếng Anh. Ở Hà Nội, các tuyến phố thương mại lớn, khu phố cổ, nhất là phố Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Hành, Bảo Khánh,... luôn dày đặc loại biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, như muốn cho thấy sự "Tây hóa triệt để".
Thời gian gần đây, ở Việt Nam xuất hiện các thương hiệu cà-phê như "Urban Station", "Passio". Nhìn vào cách bài trí theo kiểu phương Tây tại các cửa hàng gắn với thương hiệu này, nhiều người sẽ nghĩ đó đều là các thương hiệu giải khát mới du nhập từ nước ngoài, giống như trường hợp của Starbucks hay Twitter Bean; thế nhưng thực chất đây là thương hiệu cà-phê nội! Tất nhiên là người đặt thương hiệu có lý lẽ để biện minh cho việc làm này, nào là cạnh tranh với hàng ngoại, nào là để hội nhập, nào là tâm lý người tiêu dùng v.v và v.v. Nhưng với cách lý giải như thế, khi hiện tượng trở nên phổ biến thì ngày nào đó, liệu chúng ta có phải chấp nhận tình trạng mọi sản phẩm Việt Nam đều mang tên Tây; liệu khi đó từ điển văn hóa trên thế giới sẽ không còn các từ như "phở", "áo dài",... và tất cả sẽ được thay thế bằng những cái tên đã được "quốc tế hóa" kiểu như The Garden, Royal City, Keangnam, Time City? Ðó là một nguy cơ, nguy cơ đánh mất đặc trưng riêng của các thương hiệu Việt được xác lập bằng chính ngôn ngữ dân tộc. Và sẽ có ngày đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị ở Việt Nam, du khách sẽ không còn thấy hấp dẫn, vì ở đó thiếu bản sắc và chỉ như là bản sao của đô thị phương Tây.
Trong giao tiếp hằng ngày, xu hướng tiếng Việt "đá tiếng Tây" ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Anh G.Ru-en - người Ca-na-đa nhiều năm sống ở Việt Nam, có tên Việt là "Dâu Tây", từng than phiền trong một bài viết rằng: "Ðôi khi nghe người Việt ở tuổi "phát triển sự nghiệp" nói chuyện với nhau, tôi tiếc những năm tôi bỏ ra để học tiếng Việt". Và anh liệt kê vô số lỗi diễn đạt do sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, thí dụ: "Em làm bên finance", "Cái background của em ấy là gì?",... và các câu nói này thường được một số người sử dụng trong giao tiếp hằng ngày. Vậy giao tiếp giữa người Việt với người Việt sao phải dùng tiếng Anh, nhất là khi trong tiếng Việt có từ tương đương để diễn đạt, như trong các trường hợp kể trên thì finance là tài chính, background là lý lịch?
Lo ngại hơn là làn sóng lai căng ngôn ngữ được cổ súy và nhân rộng bởi cái gọi là "giới showbiz" - những người được coi là có ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Chỉ sau vài năm, hàng loạt ca sĩ, diễn viên có nghệ danh nửa Tây nửa ta đã trình làng như: Hamlet Trương, Elly Trần, Angela Phương Trinh, Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Cường Seven, Nakun Nam Cường, Akira Phan, Reno Bình, Nukan Trần Tùng Anh,... Lại có ban nhạc, ca sĩ đặt tên hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài như: 365 band (với các thành viên có tên là: Issac, Jun, Tronie, S.T và Will), ca sĩ Maya, Chan Than San,... Theo đó là ca khúc có ca từ trộn lẫn tiếng Việt và tiếng Anh ra đời. Với xu thế hội nhập, ca từ một bài hát được dịch ra nhiều ngôn ngữ là bình thường và cần thiết, nhưng loại bài hát có ca từ một câu tiếng Việt chèn một câu tiếng Anh như: "Why it's me? Làm sao đây? Trước mắt tôi là... Tell me... Khi tất cả yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can't suffer unpredictable things you did to me" (trích ca từ bài hát Không cần thêm một ai nữa của Mr. Siro và Big Daddy) thì đúng là không sao hiểu nổi, nếu không nói khó có thể chấp nhận. Không chỉ mang nghệ danh Tây, viết ca khúc nửa Tây nửa ta, một số ca sĩ còn đặt tên nước ngoài cho đĩa nhạc như: Today (Ngày hôm nay), Diamond Noir (Kim cương đen), Yesterday and Now (Ngày ấy và bây giờ), Non stop (Không dừng lại), To the beat (Nhịp đập), Unmake up (Không trang điểm)... Không rõ các đĩa nhạc đó được sản xuất dành cho ai?
Ðáng tiếc là các sản phẩm này xuất hiện trên một số chương trình truyền hình, chương trình nghệ thuật và khó có thể nói chúng lại không khuyến khích giới trẻ chạy theo xu thế lai tạp ngôn ngữ một cách tùy tiện và chào đón như trào lưu thời thượng. Vì vậy, không khó hiểu khi vào các mạng xã hội hiện nay, có thể thấy nhiều người trẻ chọn cho mình một tên nước ngoài. Họ tự hào về cái tên đó, thậm chí có người chán ghét cả tên khai sinh mà bố mẹ đặt cho mình với bao yêu thương, trìu mến. Họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ chẳng ra Tây, chẳng ra ta. Tại sao không dùng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để sáng tạo, để khẳng định mình? Tại sao phải vay mượn ngôn ngữ của nước khác? Những ai đang cố "Tây hóa" có biết năm 2013 tại Nhật Bản, cụ H.Ta-ka-ha-si 71 tuổi khởi kiện Ðài truyền hình quốc gia (NHK) vì đã dùng quá nhiều từ vay mượn của tiếng Anh khiến cụ cảm thấy bị ức chế; cụ yêu cầu bồi thường 1,4 triệu yên (14.300 USD). Không bàn tới kết quả vụ kiện, mà từ phương diện văn hóa, có thể thấy đây là lời cảnh tỉnh với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Cần lưu ý là chính tại các nước đang phát triển, việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ đã trở thành vấn đề có tính pháp quy. Vì thế, trong khi các quốc gia như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc,... luôn luôn dành một phần ngân sách rất đáng kể để quảng bá ngôn ngữ, kèm theo đó là quảng bá văn hóa của nước mình đến các nước khác trên thế giới, thì một số người trong chúng ta lại đang tự làm yếu đi ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, phải chăng việc làm đó lại được coi là hội nhập với thế giới?
Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, chúng ta hết sức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, và một giá trị hàng đầu của bản sắc chính là tiếng Việt - tài sản văn hóa vô giá của dân tộc ta. Ở Việt Nam, Luật Quảng cáo được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua năm 2012. Theo đó, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ các trường hợp như: nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt, phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Luật quy định như vậy, song chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh và chế tài xử phạt của cơ quan chức năng chưa đủ chặt chẽ và quyết liệt. Nên có thể nói trên thực tế, việc vi phạm trong lĩnh vực biển hiệu quảng cáo, việc buộc doanh nghiệp đăng ký thương hiệu theo tên Việt vẫn còn buông lỏng. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã bước đầu kiểm tra, chấn chỉnh, như ngày 24-6 vừa qua, UBND tỉnh Ðồng Nai ban hành Chỉ thị số 18 nhằm chấn chỉnh biển hiệu quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, Chỉ thị số 25 đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, trong đó nêu rõ: biển hiệu có nội dung chữ nước ngoài không đúng quy định sẽ bị xử lý. Mong rằng các biện pháp kiên quyết góp phần làm lành mạnh sinh hoạt văn hóa sẽ được thực hiện trên mọi tỉnh, thành phố. Còn với mỗi người Việt Nam, nếu không góp phần để làm đẹp hơn, phong phú hơn tiếng mẹ đẻ, thì cũng không được bóp méo, cố tình lai căng ngôn ngữ của dân tộc, cho dù hội nhập tới đâu thì chúng ta vẫn tự hào là người Việt Nam.