(TG)-Sau ba năm thực hiện thí điểm đề án bác sỹ gia đình tại tám tỉnh, thành phố, mô hình bác sỹ gia đình đã có kết quả bước đầu và khả năng nhân rộng là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, đáng lưu ý là thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại trạm y tế hạn hẹp về số lượng, chủng loại. Một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… không được cấp tại trạm y tế. Chính vì vậy, người dân vẫn chưa thật “mặn mà” tham gia vào mô hình này.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2016-2020, diễn ra sáng 15/7 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó là những khó khăn như, do đây là mô hình mới nên chưa được đầu tư tương xứng, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa hấp dẫn được tư nhân tham gia, người dân chưa tin tưởng và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế, trang thiết bị tại các trạm y tế chưa được trang bi đầy đủ.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tiến độ thực hiện còn chậm và còn nhiều khó khăn. Ngành y tế cần triển khai để phát triển mạnh hơn nữa hoạt động của 14.000 trạm y tế hiện có bằng cách tăng cường thêm các kiến thức về y học gia đình trong phóng chống các bệnh lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Trong vấn đề cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng, để phát triển mạnh mô hình bác sỹ gia đình thì cần xem xét tăng quyền lợi của người bệnh, người dân tại các phòng khám này.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Để giải được bài toán về phát triển mô hình bác sỹ gia đình, vấn đề cần thiết nhất hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở để phát triển mô hình bác sỹ gia đình. Cơ chế tài chính này khảo sát học tập mô hình nước ngoài để thảo luận với các bên liên quan, đổi mới được cơ chế tài chính mới là chìa khóa quan trọng nhất. Bên cạnh đó là việc tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trạm y tế cơ sở.”
Kể từ năm 2008, Bộ Y tế đã ra quyết định đề án đào tạo bác sỹ gia đình. Hiện nay đã xây dựng kế hoạch để đào tạo bác sỹ gia đình và đến nay đã đào tạo được tổng số 2.000 bác sỹ gia đình trên toàn quốc.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, các chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá Việt Nam là nước sẽ dễ dàng thuận lợi phát triển mô hình bác sỹ gia đình dựa vào mô hình có sẵn là trạm y tế xã, phường.
Nhiệm vụ của bác sỹ gia đình tích hợp vào trạm y tế xã phường, nâng cấp lên để quản lý sức khỏe của các hộ gia đình, cá nhân, của cộng đồng dân cư dựa vào phòng khám bác sỹ gia đình và kiến thức y học gia đình.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến cuối năm 2015, trên cả nước đã thành lập được 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là gắn với hoạt động của bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập hoặc trạm y tế xã, phường. Trong đó có 234 phòng khám bác sỹ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98%).
Đặc biệt, các phòng khám trên đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, các địa phương, các chuyên gia y tế cộng đồng đã tiến hành thảo luận những vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế hoạt động của phòng khám bác sỹ gia đình...
Bộ Y tế đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển bác sỹ gia đình nói riêng theo định hướng, kế hoạch./.
Phạm Quý Trọng