Việt Nam tuy đã có một Chiến lược biển cùng những chương trình phát triển cụ thể để phát triển toàn diện tiềm năng tài nguyên biển, song trên thực tế quy mô phát triển còn rất nhỏ bé, mang mún, chưa tương xứng với tiềm năng, nên cũng chưa thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đủ sức vươn ra vùng biển quốc tế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành và người dân chưa đầy đủ. Do đó, cần chú trọng hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo.
Tiến sĩ Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Mục tiêu đặt ra hiện nay là tạo thành dấu mốc ghi nhận những thay đổi từ nhận thức đến hành động về giá trị, địa danh các đảo, quần đảo của Việt Nam trên góc độ tiếp cận kinh tế-môi trường trong quá trình thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Xuất phát từ mục tiêu này, cần xác định yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam là nguồn nhân lực. Trong đào tạo nguồn nhân lực biển thì vấn đề quan trọng là hình thành nhận thức, tư duy mới về kinh tế biển, kiến thức pháp luật cũng như hiểu biết về các vấn đề an ninh, chủ quyền đất nước. Đây chính là trách nhiệm to lớn đặt ra cho công tác tuyên truyền biển, đảo.
Những năm gần đây, việc thu thập, đưa thông tin, tư liệu về tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo của nước ta đã được tiến hành thường xuyên, đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, thông tin về Hoàng Sa, Trường Sa, về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; truyền thống cha ông, đặc biệt là vai trò của lực lượng hải quân trong dựng nước và giữ nước được tiến hành khá thường xuyên, có sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí và nhiều tổ chức, cá nhân. Đã không ít cuộc vận động trở thành phong trào mang tính quần chúng sâu rộng, như cuộc vận động Vì Trường Sa thân yêu; Góp đá xây dựng Trường Sa; Quỹ vì Trường Sa...
Tuy vậy, công tác truyền thông về biển, đảo nhìn chung vẫn chưa chủ động, thiếu tính hệ thống, đồng bộ, nhất quán và chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu đông đảo của người dân, nhất là thế hệ trẻ-chủ nhân tương lai của đất nước. Nhiều đối tượng dân cư ven biển, hải đảo vẫn chưa tiếp cận được thường xuyên với các nguồn thông tin chính thống; đồng thời các thông tin về địa phương, thế mạnh của biển, đảo của những vùng biển xa nhưng giàu tiềm năng vẫn chưa được khai thác ít được đề cập tới. Khá nhiều tài liệu sử, tài liệu từ các kho tư liệu nước ngoài, các cá nhân và tổ chức về tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa của biển, đảo Việt Nam còn chưa được thu thập, tổng hợp một cách có hệ thống; chưa giới thiệu rộng rãi đến đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.
Theo nhận xét của Mạng lưới toàn cầu của các tổ chức phi chính phủ hợp tác và truyền thông (PANOS): Việt Nam là một trong những nước chưa “mặn mà” lắm trong việc đưa tin về thảm họa môi trường. Các cơ quan truyền thông trong nước chỉ đưa tin về biến đổi khí hậu ở mức vĩ mô, quốc gia và toàn cầu, ít có mối liên quan giữa các vấn đề về hiện trạng ở địa phương. Còn theo kết quả nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam của Tổ chức Đông Tây hội ngộ (EMWF), có tới 49% số người được phỏng vấn không biết gì các chính sách và quy trình của Nhà nước về vấn đề này; 72% không biết kế hoạch chuẩn bị phòng chống thiên tai...
Do đó, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch truyền thông về biển, đảo, biến đổi khí hậu cho cộng đồng; xác định và phân chia ra các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các hình thức phù hợp, hấp dẫn hơn với người nghe. Trong đó đối tượng trẻ phải được đặt lên hàng đầu trong các chương trình tuyên truyền về biển, đảo.
Mặt khác trang bị các kiến thức liên quan cho đội ngũ phóng viên, báo cáo viên; đội ngũ cán bộ tuyên truyền. Thu hút các tổ chức đoàn thể quần chúng tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biển, đảo. Tập hợp có hệ thống và tuyên truyền sâu rộng các tư liệu lịch sử, xác thực về chủ quyền biển, đảo quốc gia, nhất là Hoàng Sa, Trường Sa; tiềm năng kinh tế, văn hóa của biển đảo Việt Nam, môi trường và biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam . Một trong những nội dung của Đề án là báo chí cần tăng thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền để khẳng định vị thế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của người dân về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo. Trong đó 100% xã, phường, thị trấn vùng ven biển, hải đảo được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nguy cơ, hiểm họa liên quan đến chính lợi ích của họ.
Theo đó, Nhà nước sẽ tổ chức cho phóng viên, người dân, học sinh, sinh viên và người lao động tham quan thực tế, nghe phổ biến hoặc xem phim tài liệu về các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững một số hệ sinh thái biển; đi đôi với trang bị kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.
Công cuộc đấu tranh gìn giữ, bảo vệ chủ quyền đất nước trong đó có lĩnh vực biển, đảo cần phải có sự ủng hộ và tiếng nói khách quan của bạn bè quốc tế, nên thông tin không những hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài, mà còn phải hướng đến đối tượng người nước ngoài trên khắp thế giới, để họ hiểu rõ sự thật lịch sử, hành động phù hợp với Công ước quốc tế và đạo lý.
Có thể nói, tuyền truyền về tiềm năng kinh tế, sinh thái và môi trường biển, đảo là lĩnh vực khó và nhạy cảm, dễ đụng chạm đến những vấn đề gai góc. Vì thế ngoài việc đào tạo đội ngũ phóng viên, tuyên truyền viên có tay nghề và am tường trên lĩnh vực này; áp dụng các thành tựu của tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong tuyên truyền, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phải là một trong những cơ quan chủ chốt trong việc cung cấp thường xuyên những thông tin xác thực, mang tính thuyết phục và tính thời sự cao cho các phương tiện thông tin đại chúng./.
Văn Hào - TTXVN