Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 23/8/2012 22:40'(GMT+7)

Phát triển bền vững Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Khu Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi có nhiều hẻm vực sâu và kỳ vĩ; đặc biệt, có hẻm vực dài hơn 30 km, sâu từ 700-800m, vách dựng đứng 80-90 độ (hẻm vực Tu Sản – Nho Quế). Nhiều dạng địa hình cùng tồn tại trên khu vực Công viên như: mái nhà lệch, hoang mạc đá, tháp đá, chóp đá, nón đá, hố sụt karst…; Núi đôi tại thị trấn Quản Bạ được gọi là di sản địa chất cấp quốc tế. Ngoài ra, trên vùng Công viên cũng tồn tại hàng trăm hang động, có hang khô, hang có nước; trong đó, có hàng chục hang động đã và đang được điều tra, nghiên cứu, hy vọng tìm thấy nguồn cung cấp nước sinh hoạt và phát triển du lịch cho người dân vùng cao nguyên đá.

Điều kiện tự nhiên và khí hậu của vùng cao nguyên đá đã tạo cho khu vực sự phong phú và đa dạng của hệ thống các loài động thực vật quí hiếm như voọc mũi hếch, thông tre lá ngắn, dẻ tùng sọc nâu, cây 7 lá 1 hoa, cây bạc hà…

Từ bao đời nay, trên vùng cao nguyên đá- nơi khát đất và khát nước vẫn luôn là nơi sinh sống của cộng đồng bà con 17 dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Dao, Nùng, Giáy, Kờ Lao, Lô Lô, Pu Péo… Mười bảy sắc mầu văn hóa đặc trưng của 17 dân tộc đã dệt nên bức tranh văn hóa vùng cao nguyên độc đáo trong bức tranh văn hóa toàn cảnh của 22 dân tộc tỉnh Hà Giang.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, di tích kiến trúc nghệ thuật phố cổ Đồng Văn, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú, danh thắng Núi đôi Quản Bạ, di tích lịch sử và danh thắng đèo Mã Pì Lèng… luôn là điểm đến hấp dẫn, cuốn hút và bí hiểm trong lòng du khách gần xa.

Việc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) công nhận tư cách thành viên đối với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với bà con trong cộng đồng 17 dân tộc trên vùng cao nguyên đá cực Bắc của Tổ quốc nói riêng và nói chung của cả cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam anh em trên bản đồ hình chữ S. Đây cũng là cơ hội mới để vùng cao nguyên đá được người trong và ngoài nước biết đến; người dân các dân tộc vùng cao có thêm điều kiện hội nhập, phát triển kinh tế xã hội.

Ông Guy Martini - Điều phối viên cùng nhóm công tác của GGN mới đây trong Báo cáo đánh giá thực trạng về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2013 đã đưa ra những khuyến nghị , chia sẻ với chính quyền và cơ quan chức năng, nhân dân các dân tộc Hà Giang về việc bảo vệ và phát triển bền vững Khu Công viên.

Các chuyên gia của GGN ủng hộ chủ trương của lãnh đạo chính quyền tỉnh Hà Giang xác định tập trung ưu tiên phát triển du lịch ở khu Công viên địa chất toàn cầu; từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế chính góp phần phát triển kinh tế xã hội 4 huyện vùng Cao nguyên. Ông Guy Martini nêu 3 khuyến nghị có tính khẩn cấp mong muốn tỉnh Hà Giang cần tổ chức thực hiện ngay.

Một là: Bảo vệ tính nguyên bản của kiến trúc truyền thống bản địa. UBND tỉnh Hà Giang bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, pháp luật, vận động, giáo dục… để các tập thể và cá nhân trong cộng đồng có hành động cụ thể nhằm chấm dứt, hoặc cải thiện nhanh chóng tình trạng phá hủy, xuống cấp các kiến trúc truyền thống (tại các điểm di sản, làng bản) hay hiện tượng xây dựng mới với kiến trúc, vật liệu phi truyền thống trong khu vực địa bàn Công viên. Kiến trúc truyền thống của các làng bản người dân tộc vùng cao nơi đây là những ngôi nhà trình tường (tường đất), hàng rào bao quanh bằng đá xếp không có chất kết dính (của người Mông); nhà sàn bằng gỗ của người Tày, vật liệu làm mái nhà…Tỉnh cần tìm nguồn tài chính để phục chế tính nguyên bản kiến trúc đang bị phá hủy bởi thời gian hoặc sự tác động của con người. Điều chỉnh Chương trình 30a của Chính phủ phù hợp với thực tế địa phương, trên tinh thần bảo tồn kiến trúc bản địa. Tổ chức chương trình giáo dục đặc biệt về kiến trúc truyền thống, truyền thụ kỹ thuật xây dựng truyền thống trong cư dân địa phương.

Theo khảo sát, đánh giá của các chuyên gia GGN: Hiện tại, Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương đang được bảo tồn và khai thác tốt. Khu phố cổ Đồng Văn được xây dựng đầu thế kỷ XX, có 40 căn hộ; trong đó, có 18 căn hộ đã bị phá hủy, hư hại nặng. Tỉnh Hà Giang đã có chương trình bảo vệ nhưng chưa có chương trình tái phục chế với các công trình kiến trúc bị hư hỏng do không có kinh phí. Ở Phố Bảng (Đồng Văn) cũng đang có khu nhà cổ được xây dựng cùng thời với phố cổ Đồng Văn; vừa qua, nơi đây xuất hiện nhiều ngôi nhà xây theo kiến trúc hiện đại làm phá vỡ cảnh quan chung của khu Công viên địa chất. Một số công trình quân sự (thành, đồn lính, lô cốt ) do người Pháp xây dựng trước đây nên được quản lý và chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ cho phát triển du lịch…Làng truyền thống của bà con các dân tộc hiện cũng đang bị phá vỡ tính kiến trúc truyền thống do ngày càng xuất hiện thêm những ngôi nhà mới được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, vật liệu phi truyền thống. Đặc biệt, thời gian qua, thực hiện chương trình 30a của Chính phủ về xóa nhà tạm từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, nên trên địa bàn xuất hiện các khu nhà giống nhau theo kiểu nhà tập thể (theo bản vẽ qui định của nhà đầu tư), được làm từ vật liệu mới trên một số con đường chính trong khu vực Công viên. Sự kiện này đưa người dân và chính quyền địa phương vào thế bí trong việc giải quyết hài hòa giữa sự lãng phí (nếu phá bỏ) tiền của Nhà nước và công sức của dân với việc bảo vệ tính nguyên bản và không gian của kiến trúc truyền thống.

Bên cạnh việc giữ gìn và tu bổ các di sản văn hóa vật thể trên khu vực Cao nguyên, việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cũng cần có sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và cộng đồng. 17 dân tộc anh em trên Cao nguyên đã cùng nhau xây dựng nên đặc trưng văn hóa cao nguyên, trong đó có bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Công cuộc phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo nhanh cũng đã làm mất đi văn hóa của một số dân tộc.

Các chuyên gia GGN nhấn mạnh: Những giá trị nhân văn của các dân tộc trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn rất qúi giá; đây sẽ là lực hút để ngày càng có nhiều người trong khu vực và trên thế giới đến với Hà Giang. Họ đi tìm câu trả lời về sự tồn tại của con người trên vùng sa mạc đá. Điều này không phải ở đâu cũng có được.

Hai là: Việc cấp giấy phép ra vào biên giới hiện đang là rào chắn đối với khách quốc tế có ý định lên khu Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn do thiếu thông tin, tốn thời gian và tiền bạc, thủ tục phức tạp, ngôn ngữ bất đồng… Nếu không bỏ được thủ tục Giấy phép thì phải có biện pháp đơn giản thủ tục như cấp giấy phép cùng hoặc tại nơi cấp thủ tục “Visa đến” ở sân bay; cấp phép trực tiếp tại các khách sạn trên khu vực Công viên địa chất. Tăng cường hơn nữa thông tin cho du khách về vấn đề liên quan trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhất là thông tin bằng ngôn ngữ quốc tế (tiếng Anh).

Ba là: Bảo vệ cảnh quan (di sản). Hoạt động ảnh hưởng chủ yếu đến cảnh quan các di sản hiện nay trên khu vực Cao nguyên là các điểm khai thác khoáng sản (đá, mỏ kim loại…). Các hoạt động khai thác đá thủ công, nhỏ lẻ khai thác khoáng sản thổ phỉ làm hệ cảnh quan đá vôi, nhất là ở các khu dân cư, ven trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cần có qui hoạch về vùng khai thác hữu hạn khoáng sản và vùng cấm tuyệt đối không có các hoạt động khai thác, được bảo vệ bằng luật định.

Theo ý kiến của các chuyên gia GGN cũng như một số chuyên gia sâu về du lịch, Hà Giang không thể tạo đột phá về phát triển du lịch với việc tập trung mọi nguồn lực, chính sách để trong một thời gian ngắn du lịch Hà Giang có tên tuổi trong nước và khu vực. Khó khăn cho phát triển du lịch Hà giang nói chung và du lịch đến khu Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn trước tiên là cự ly đường dài từ Hà Nội đi Hà Giang; công tác thông tin truyền thông, nhất là quảng bá du lịch ra ngoài biên giới còn ở tình trạng quá kém; chất lượng nơi lưu trú cho khách đang là vấn đề nan giải; người làm du lịch vừa ít lại quá nghiệp dư; thiếu một khái niệm hấp dẫn về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn… Và giao thông chưa thuận tiện, thiếu an toàn cũng là nguyên nhân làm chậm bước tiến của du lịch vùng Công viên địa chất.

Ngoài những việc cần làm ngay, Hà Giang cũng cần triển khai theo lộ trình thời gian những nội dung công việc nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững Công viên địa chất Đồng Văn. Đó là: Nâng cao nhận thức, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát triển du lịch tổng thể và thích hợp; nhận thức về khái niệm “du lịch sáng tạo” và đưa vào cuộc sống thực tế. Áp dụng các khái niệm, hướng tiếp cận du lịch mới, hiện đại vào xây dựng du lịch Công viên địa chất. Tăng cường tiềm lực cho phát triển sẩn phẩm địa phương phục vụ du lịch…

Phát triển du lịch trên khu Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đứng trước lựa chọn: tập trung phát triển nhanh hay phát triển chậm nhưng bền vững. Xin mượn lời GS Guy Martini - Điều phối viên của GGN: Hà Giang khó có thể tạo bước phát triển nhanh; phải tính đến thực tế của khu vực Công viên địa chất Đồng Văn để đầu tư phát triển hợp lý và hiệu quả. Chọn cách đi chậm và chắc thì sẽ giữ lại được di sản cho thế hệ mai sau, sẽ phát triển Công viên địa chất Đồng Văn thành hình mẫu cho Công viên địa chất toàn cầu ở khu vực châu Á./.

Công Hải - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất