Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Ba, 12/5/2015 21:57'(GMT+7)

Phát triển bền vững lưu vực sông Việt Nam

Việt Nam có 2372 sông có chiều dài trên 10km. Nếu phân loại theo diện tích lưu vực, có 13 con sông có diện tích lưu vực trên 10.000km2. Tổng lượng dòng chảy năm của Việt Nam khoảng 830-840 tỉ m3/năm, trong đó 63% tức khoảng 520-525 tỉ m3 chảy từ các quốc gia láng giềng nằm ở thượng nguồn các lưu vực sông chảy vào Việt Nam. Lượng nước sinh ra từ chính lãnh thổ Việt Nam chiếm 37% tổng lượng dòng chảy năm của đất nước, chiếm từ 310-315 tỉ m3. Lượng nước bình quân đầu người năm 2010 khoảng 9700m3, cao hơn 2,4 lần so với châu Á (3970m3) và 1,3 lần so với thế giới (7650m3). Nếu chỉ tính nước nội sinh, bình quân đầu người năm chỉ là 3620m3. Tài nguyên nước dưới đất (hay còn gọi được gọi là tài nguyên nước ngầm) phân bố rất không đồng đều trong lãnh thổ.

Những con số trên cho thấy Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm về nước nhưng tài nguyên nước của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và những thách thức ngày càng lớn. Đó là: Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài biên giới quốc gia. Nước mặt phân bố không đều theo không gian và thời gian. Lượng nước bình quân đầu người giảm do dân số gia tăng. Tài nguyên nước bị suy giảm và cạn kiệt ô nhiễm. Sự phát triển mạnh mẽ các công trình thủy điện lớn vừa, nhỏ đơn mục tiêu (phát điện) trên hầu khắp các sông đang gây nên việc sử dụng tài nguyên không hợp lý, gây mâu thuẫn thậm chí xung đột giữa các ngành, các hộ dùng nước, đặc biệt là giữa thủy điện và môi trường, thủy điện và nông nghiệp.

Biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Theo đánh giá bước đầu, vào khoảng 2070, với kịch bản nhiệt độ không khí tăng thêm 2,5-4,5 độ C, lượng dòng chảy sông ngòi cũng sẽ biến đổi tùy theo mức độ biến đổi của lượng mưa. Công tác quản lý tài nguyên nước đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập.

Vì vậy, để quản lý tài nguyên nước cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, các đại biểu cũng đề xuất tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông. Từ thực trạng quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam cho thấy quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông một cách có hiệu quả là cách tiếp cận phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại của Việt Nam. Cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước giúp quản lý và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững và cân bằng và xem xét toàn diện các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Để thực hiện quản lý tài nguyên nước theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, cần thực hiện những ưu tiên chiến lược sau:

Hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên nước cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Sửa đổi Nghị định 120/2008 về quản lý lưu vực sông để phản ánh đầy đủ quan điểm của Luật tài nguyên nước 2012 và thực hiện hiệu quả, thiết thực việc tăng cường quản lý tổng hợp  tài nguyên theo lưu vực sông. Xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật khác liên quan đến thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012. Các văn bản này cần có cách tiếp cận tổng hợp và phản ánh được những nguyên tắc Dublin-được thế giới công nhận. Đặc biệt nguyên tắc nước phải được xem là hàng hóa.

Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên nước các cấp. Thể chế quản lý tài nguyên nước đã được tăng cường và hoàn thiện trong nhiều năm qua. Đầu mối quản lý tài nguyên đã được thu hẹp và có Bộ đầu mối chịu trách nhiệm thực thi các chính sách, chiến lược quản lý tài nguyên nước quốc gia. Tuy nhiên, vẫn cần rà soát lại những vấn đề tồn tại trong tổ chức quản lý tài nguyên nước ở các cấp, như giảm sự chồng chéo trong các nhiệm vụ liên quan đến tài nguyên nước ở các cấp, như giảm sự chồng chéo trong các nhiệm vụ liên quan, đến quản lý tài nguyên nước giữa các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.

Xây dựng các tổ chức lưu vực sông theo Nghị định 120/2008 (sẽ sửa đổi). Tổ chức lưu vực sông phải có trách nhiệm, vai trò và quyền lực để thực hiện hiệu quả các chức năng được giao. Cần làm rõ sự tồn tại và trách nhiệm của các Ban Quản lý Quy hoạch lưu vực sông và tổ chức lưu vực sông mới.

Tăng cường nguồn lực (nhân và vật lực) cho hệ thống quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Hiện tại, nhiều địa phương không có cán bộ chuyên ngành  nước. Cần xây dựng chương trình lâu dài đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ ngành nước ở tất cả các cấp.

Nâng cao nhận thức các bên liên quan trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Cần có chiến lược lâu dài nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên nước cho các bên liên quan bao gồm từ chính quyền các cấp địa phương, các nhà đầu tư, cộng đồng…

Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Cần có một chiến lược tăng cường hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên nước nói chung và các lưu vực sông liên quan quốc tế. Việt Nam cần sớm phê chuẩn “Công ước Quốc tế về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy” mà Việt Nam đã cùng với 103 quốc gia tham gia ký kết năm 1997. Tăng cường hợp tác Mêkông để thực hiện Hiệp định phát triển bền vững lưu vực sông Mêkông 1995 nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, một trong 2 đồng bằng quan trọng của Việt Nam – bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều khu vực trên thế giới. Tham gia tích cực và đưa các sáng kiến về hợp tác bảo vệ, phát triển và quản lý tài nguyên nước cho phát triển bền vững tại các diễn đàn hợp tác khu vực (ASIAN, LMC, LMCT, WWF, SEA WWF…).

Bảo Châu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất