Tham dự Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam có đại diện của Bộ Tài nguyên và
Môi trường (là đầu mối quốc gia Công ước Stockholm và Công ước Basel),
Bộ Công Thương (đầu mối quốc gia Công ước Rotterdam) và Tập đoàn Điện
lực Việt nam.
Ngày 4/5, Hội nghị các bên tham gia ba công ước gồm Công ước Stockholm
về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (lần thứ 7); Công ước
Rotterdam về các thủ tục thông báo trước đối với một số hóa chất và
thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (lần thứ 7) và
Công ước Basel về Kiểm soát chất thải xuyên biên giới (lần thứ
12) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sỹ.
Tham dự Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam có đại diện của Bộ Tài nguyên và
Môi trường (là đầu mối quốc gia Công ước Stockholm và Công ước Basel),
Bộ Công Thương (đầu mối quốc gia Công ước Rotterdam) và Tập đoàn Điện
lực Việt nam.
Toàn cảnh phiên họp.
Những nội dung cơ bản của Hội nghị lần này sẽ tập trung vào danh mục các
hóa chất mới thuộc Công ước Stockholm và Công ước Rotterdam; thông qua
các hướng dẫn kỹ thuật thuộc Công ước Basel; cơ chế tài chính và hỗ trợ
kỹ thuật cho việc thực hiện ba công ước.
Ngoài các nội dung cơ bản được trao đổi tại phiên họp chính thức, một
loạt các hội nghị bên lề được tổ chức để thảo luận về các chủ đề riêng
biệt của từng công ước và chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia thành viên.
Phát biểu khai mạc tại phiên họp tổng thể của ba công ước, ông Achim
Steiner - Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc
(UNEP), đã nhấn mạnh thế giới đang sử dụng hàng trăm nghìn loại hóa chất
và thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 1 triệu người chết do tác động bởi
hóa chất. Chính vì vậy, những nội dung mà Hội nghị các bên thảo luận
trong hai tuần tới sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh
hưởng của hóa chất đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh các hoạt động chính của hội nghị, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo
bên lề và gian trưng bày để chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các thành
tựu của Việt Nam qua 10 năm thực hiện Công ước Stockholm./.
(Vietnam+)