(TG)-Tăng cường tuyên truyền về BHYT cho học sinh sinh viên (HSSV) và cha mẹ HSSV; đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT); xử lý nghiêm các đơn vị, nhất là người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHYT…
Đây là các giải pháp mà Bộ GD&ÐT tiếp tục chỉ đạo các sở GD&ÐT, các đại học, học viện, trường cao đẳng, trung cấp sư phạm tích cực triển khai, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2019-2020.
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngành giáo dục luôn xác định công tác y tế trường học, BHYT HSSV rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho HSSV, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan, kế hoạch liên ngành đã được Bộ GD&ÐT chủ trì phối hợp các bộ, ngành ban hành đầy đủ, kịp thời.
Hằng năm, Bộ GD&ÐT đều có văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về việc tham gia BHYT HSSV; xác định rõ vai trò trách nhiệm của ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác y tế trường học đối với HSSV. Nhờ đó, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Theo thống kê, năm học 2016 - 2017, cả nước có 15,9 triệu em (đạt khoảng 92,5%) tham gia BHYT; năm học 2017 - 2018, đạt 16,5 triệu em (khoảng 93,5%); năm học 2018 - 2019, đạt 17 triệu em (khoảng 94,2%).
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 6% trong tổng số HSSV của cả nước chưa tham gia BHYT. Số này tập trung ở nhóm sinh viên từ năm thứ hai trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, tình trạng trên một phần là do đến nay vẫn còn một số ít cơ sở giáo dục chưa chú trọng BHYT HSSV, chỉ liệt kê số tiền đóng đầu năm mà thiếu tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức HSSV chấp hành pháp luật về BHYT. Một bộ phận HSSV vẫn quan niệm, ít ốm đau nên không tham gia BHYT cho dù trong quy chế về công tác sinh viên đại học chính quy đã quy định rất rõ trách nhiệm phải tham gia BHYT đối với sinh viên và các hình thức xử lý đối với các trường hợp không tham gia đúng quy định. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các nhà trường và cơ sở đào tạo để phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.
Ở năm học này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như được chăm lo sức khỏe thông qua việc tham gia BHYT. Đồng thời, chỉ đạo các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp sư phạm tích cực tuyên truyền về BHYT HSSV; đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các đơn vị; các sở GD&ĐT phối hợp BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương; xử lý nghiêm các đơn vị thuộc quyền quản lý, nhất là người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHYT./.
TĐ