(TCTG) - CNTT phát triển trở thành thước đo sự phát triển toàn diện của một nước. Sự phát triển kinh tế xã hội dựa trên nền tảng ứng dụng và phát triển của CNTT là sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và được lãnh đạo cấp cao của các nước đặc biệt quan tâm.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều học giả trên thế giới đã dự báo về một nền kinh tế-xã hội “hậu công nghiệp” - kinh tế tri thức-sẽ xuất hiện trong tương lai gần, như một tất yếu của sự phát triển xã hội loài người. Nhiều nhà khoa học Việt Nam, đã tiếp cận và quảng bá rộng rãi dự báo ấy với hy vọng khích lệ thế hệ trẻ Việt Nam nắm thời cơ, đưa đất nước tiến kịp những nước phát triển “sánh vai cùng cường quốc năm châu”.
Nhìn lại 10 năm đầu của thế kỷ XXI, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, kinh tế tri thức đang dần lộ diện. Dù muốn hay không thì điện thoại di động, máy vi tính được nối mạng internet... cũng đã trở thành những vật hiện hữu, là tài sản, là công cụ của mỗi cá nhân, của các tổ chức, các thành phần trong xã hội, mà các sản phẩm ấy chính là công cụ của kinh tế tri thức! Trong những năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về phát triển công nghệ thông tin (CNTT) thì Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh. CNTT được ứng dụng hầu hết trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế xã hội và trở thành yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động toàn xã hội.
CNTT là khâu đột phá, là động lực để đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH đất nước
Ngay từ khi trao đổi góp ý cho dự thảo các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội Đảng lần thứ XI, và giờ đây toàn Đảng, toàn dân đang phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, thì những người quan tâm đến vận mệnh quốc gia luôn trăn trở mong tìm ra một khâu đột phá, một điểm tựa cho toàn bộ nền kinh tế đất nước có những bước tiến nhảy vọt, xứng với tiềm năng của đất nước và kỳ vọng của nhân dân. CNTT có thực sự đảm đương được vai trò ấy không? Chúng ta có thực tế để giải đáp câu hỏi đó.
Trước hết là từ thực tế của các nước trên thế giới và trong khu vực. Từ 25 nước ở châu Âu, năm 2005, ngành CNTT châu Âu chỉ chiếm 5% GDP nhưng đã thúc đẩy đến 25% sự tăng trưởng kinh tế nói chung và khoảng 40% sự tăng trưởng về năng suất lao động. Ở Mỹ, CNTT còn đóng góp lớn hơn, đến 60% sự tăng trưởng năng suất lao động (McGibbon).
CNTT phát triển trở thành thước đo sự phát triển toàn diện của một nước. Sự phát triển kinh tế xã hội dựa trên nền tảng ứng dụng và phát triển của CNTT là sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và được lãnh đạo cấp cao của các nước đặc biệt quan tâm.
Ở Việt Nam, ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị BCHTW khoá VIII đã ra Chỉ thị 58 về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy, các chính sách để phát triển ngành. Sự phát triển CNTT nước ta đã được định hướng và đã có một hành lang pháp lý đảm bảo.
Trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, CNTT ở Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 20-25%/năm. Năm 2010, doanh thu CNTT đạt 7,1 tỷ USD. Ngành dịch vụ phần mềm Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt được xếp vào nhóm 15 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu. Hạ tầng viễn thông Việt Nam sử dụng những công nghệ hiện đại. Đến nay đã có 6% dân số có máy tính cá nhân, gần 120 triệu thuê bao điện thoại... Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là lực lượng lao động trong ngành CNTT đã phát triển và ngày thêm lớn mạnh. Đến cuối năm 2009, có 226.300 lao động (công nghiệp phần cứng là 121.300 lao động, công nghiệp phần mềm là 64.000 lao động và công nghiệp nội dung số là 41.000 lao động)...Gần đây, trong các chương trình kinh tế-xã hội, chúng ta đã rất quan tâm đến giai đoạn phát triển dân số vàng. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số ngày 14/6/2011 do Tổng cục Thống kê công bố, hiện tại số người trong độ tuổi lao động - từ 15 đến 64 tuổi đang chiếm tới 64% dân số. Và giai đoạn dân số vàng, dân số trẻ còn tiếp tục được khoảng 25 năm nữa. Đây là một cơ hội thuận lợi, với nguồn lao động trẻ dồi dào, chúng ta có thể khai thác, bồi dưỡng và sử dụng cho các kế hoạch phát triển tương lai.
Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, nước ta đang rất thuận lợi khi chọn CNTT là khâu đột phá, để xây dựng một đất nước mạnh bằng CNTT trong 10 năm và 20 năm tới. Đương nhiên “cơ hội vàng” này vẫn là một tiềm năng. Chúng ta có ý thức được đầy đủ điều đó và biến tiềm năng ấy thành hiện thực trong một tương lai gần hay không. Đó là việc vô cùng cấp bách nếu như chúng ta không muốn mãi mãi là nước nghèo, chậm phát triển. Cần phải tự hoạch định chương trình với một nghị lực không mệt mỏi, với một quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, để đưa nước đuổi kịp các nước tiên tiến, để có sức mạnh bảo vệ đất nước, để có điều kiện cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân.
Phát triển CNTT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân
Từ kinh nghiệm thành công của thời kỳ đổi mới, chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của CNTT trong tương lai phát triển của đất nước và biến nhận thức thành trách nhiệm, thành hành động, thành sức mạnh của cả dân tộc. Nhưng muốn phát triển CNTT thì cần xem nó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Cần xác định việc phát triển và xây dựng CNTT chính là một động lực thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế, góp phần hình thành một cơ sở hạ tầng của nền kinh tế xã hội. CNTT theo quan niệm mới rộng lớn hơn một ngành công nghiệp đơn lẻ rất nhiều và không phải là việc riêng của ngành CNTT, lại càng không phải chuyện riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tạo ra được một nhận thức như vậy trong thực tế không dễ chút nào, ngay cả khi chúng ta đã có những văn bản được soạn thảo rất công phu và các cấp đã ra sức triển khai. Đồng thời với những nỗ lực trên, để nhận thức ấy sớm trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, rất cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan truyền thông của Đảng, của toàn xã hội cùng hợp sức tuyên truyền rộng rãi, với cùng một mục tiêu và có những nội dung thích hợp với từng đối tượng.
Trước hết, với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần tạo cho được ý thức xem việc ứng dụng phát triển CNTT là đem lại cho ngành mình, địa phương mình phương tiện và cơ hội tiếp cận với nền kinh tế tri thức-một nền kinh tế của tương lai. Và điều đó chính là sự thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của người lãnh đạo, người quản lý.
Tiếp đó, phải động viên được lớp trẻ, học tập và say mê sáng tạo trong ngành CNTT. Với thế hệ những người chủ tương lai của đất nước, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tạo ra những diễn đàn rộng rãi để thanh niên tiếp cận trực tiếp, thường xuyên với những nhà lãnh đạo, nhà khoa học... gắn họ vào trách nhiệm tham gia và trở thành một thành viên của một triệu chuyên gia CNTT có đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đủ điều kiện để không những chấn hưng đất nước, mà còn tham gia vào nguồn lực CNTT của các nước khác...
Đặc biệt là việc rất cần tiếp tục hoàn thiện và thực thi các chính sách thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi CNTT. Những chính sách đã ban hành đang phát huy tác dụng, nhưng chưa đủ để tạo nên sự chuyển biến tích cực trong ngành kinh tế quan trọng này. Vì vậy cần một hành lang pháp lý thích hợp nhằm khuyến khích sự hình thành của một xã hội thông tin, như một sự đầu tư mềm, tạo thị trường cho CNTT phát triển. Đầu tư của xã hội, của Nhà nước để hình thành những khu công viên phần mềm, những thành phố thông minh có đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho những tri thức trẻ lao động sáng tạo, ưu tiên cho việc đổi mới và hình thành môi trường thuận lợi cho việc đào tạo lực lượng lao động trong ngành CNTT xây dựng cho ngành CNTT một lực lượng lao động có chất lượng cao.
Có nhiều việc phải làm để CNTT trở thành động lực, thành hạ tầng mềm của nền kinh tế xã hội, đủ sức đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH đất nước. Công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức và việc hình thành những chính sách như một hành lang pháp lý là những giải pháp có tính tổng hợp cần được ưu tiên ngay trong lúc này. Những giải pháp đó sẽ mở đường cho các giải pháp tiếp theo nhằm tạo ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển CNTT, biến CNTT thành hạ tầng mềm quan trọng, là cơ sở cho sự phát triển CNH, HĐH đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế./
VŨ BÌNH
Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA)