An ninh mạng đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu khi mối liên hệ giữa chiến tranh ảo và chiến tranh thực rất gần nhau và đều dẫn tới tổn thất tài sản quốc gia.
Chưa bao giờ cuộc chiến trên không gian ảo lại gây nhiều tổn thất cho nhân loại như hiện nay. Các tài liệu tuyệt mật từ nhiều chính phủ và những tổ chức quốc tế NATO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị các nhóm tội phạm như LulzSec và Anonymous ăn cắp dễ như “trở bàn tay”. Trước tình hình những nhóm người nhỏ gây ra tổn thất vô cùng lớn chỉ với một vài nỗ lực nhỏ, các tập đoàn an ninh mạng hàng đầu thế giới buộc phải khởi động cuộc chạy đua trong chặng đường cải tiến các sản phẩm hiện hành và phát triển các phần mềm an ninh mới hiệu quả hơn.
Mới đây, AP cho biết các công ty công nghệ hàng đầu như McAfee và Symantec vừa phát triển các phần mềm với công nghệ mới có thể ngăn chặn hiệu quả các tập tin truyền thống mà tin tặc sử dụng trong các cuộc tấn công. Công ty máy tính Hewlett-Packard (HP) của Mỹ - đại gia phần mềm an ninh lớn thứ 5 thế giới, đã đầu tư 1,5 tỷ USD phát triển công nghệ chống tin tặc SIEM. Trong khi đó, đối thủ của HP, Dell. Inc cũng mua công ty dịch vụ an ninh quản lý mạng nhằm cung cấp các khách hàng dịch vụ giám sát an ninh mạng của họ. Ngoài ra, hàng loạt các công ty an ninh mạng mới nổi đang ra sức phát triển các phần mềm bảo vệ dữ liệu, cạnh tranh giành thị phần an ninh cho không gian ảo toàn cầu.
Những cuộc tấn công mạng với công nghệ ngày càng tinh vi của tin tặc thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế của các phần mềm an ninh mạng chống tin tặc. Do vậy, chính phủ nhiều nước đang tự trang bị hàng rào an ninh mạng vì cũng không yên tâm khi giao toàn bộ sinh mạng quốc gia cho một công ty an ninh, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến trên không gian ảo đang ngày một leo thang với nhiều diễn biến khó lường. Nhiều nước đã thành lập ngay Bộ Tư lệnh an ninh mạng để chuẩn bị cho nguy cơ có thể xảy ra các tình huống, bảo vệ hạ tầng quan trọng quốc gia và nghiên cứu phương thức phòng thủ, tấn công.
Hôm 8-8 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc cũng thông báo dự án quy hoạch an ninh mạng quốc gia trong đó khẳng định không gian mạng là một phần lãnh thổ được quốc gia bảo vệ, bên cạnh đất liền, không phận và hải phận. Đây là một bước ngoặt phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì sự phát triển của dự án này thừa nhận rằng không gian mạng cũng là một khu vực lãnh thổ, nhà nước có trách nhiệm phải bảo vệ.
Trước đó Chính phủ Mỹ đã công bố chiến lược an ninh mạng, với ưu tiên tăng cường khả năng thực thi pháp luật để đối phó với tội phạm mạng, tăng cường hợp tác quân sự, giúp đỡ các liên minh của Mỹ trong việc đương đầu với các mối đe dọa từ không gian mạng… (theo Defense News). Chính phủ Canada đã loan báo chiến lược an ninh mạng mới, theo đó, sẽ lưu trữ tất cả email vào một hệ thống nhằm đảm bảo an toàn thông tin, đồng thời cắt giảm các trung tâm dữ liệu của chính phủ xuống còn 20 trung tâm so với con số 300 hiện nay. Chiến lược này không những nhằm tăng cường an ninh mạng mà còn giúp Canada tiết kiệm được 100 - 200 triệu USD.
An ninh mạng đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu khi mối liên hệ giữa chiến tranh ảo và chiến tranh thực rất gần nhau và đều dẫn tới tổn thất tài sản quốc gia. Cuộc chạy đua giữa các công ty phần mềm an ninh mạng và các chính phủ nhằm đảm bảo an ninh mạng chỉ mới bước vào giai đoạn đầu.
Theo SGGP