Quyết định 35/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Quy định chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã “tạo ra” hàng loạt ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng... qua đó đã góp phần thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển nhanh chóng ở tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây.
Nền tảng tốt
Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2017, sản lượng xe lắp ráp của Công ty cổ phần (CP) ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam (Khu Công nghiệp Gián Khẩu) tăng mạnh, đạt hơn 17.000 chiếc, gấp 2,4 lần kế hoạch. Chỉ tính riêng 9 tháng năm nay, sản lượng của Công ty đạt trên 31,3 nghìn chiếc, gấp 2,4 lần so với tháng trước. Cùng với đó, năm 2018, Nhà máy Hyundai Thành Công đã liên doanh với Nhà máy Hyundai Motor (HTMV) xây dựng, vận hành nhà máy lắp ráp ô tô thứ 2 tổng công suất trên 60.000 chiếc/năm. Việc sở hữu 2 nhà máy quy mô lớn sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu trở thành hãng xe số 1 tại Việt Nam cũng như là một trong những thương hiệu xe dẫn đầu Đông Nam á của Hyundai Thành Công.
Có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng về năng lực sản xuất của Công ty CP ôtô Huyndai Thành Công Việt Nam đã kéo theo công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ôtô. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và đạt hiệu quả tốt như: Công ty TNHH ADM21 với năng lực sản xuất 20 triệu chiếc cần gạt nước ôtô/năm, xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Pháp.
Đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô Công ty TNHH SeJung Việt Nam cũng đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 tại Cụm công nghiệp Cầu Yên. Nhà máy có diện tích sử dụng là 3,3ha với tổng mức đầu tư trên 443 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020. Mục tiêu của nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty TNHH SeJung Việt Nam là sản xuất ống xả và linh kiện sản xuất ống xả ô tô, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả... với công suất thiết kế 570.500 sản phẩm/năm.
Có thể nói, việc thu hút các nhà máy trong ngành công nghiệp phụ trợ có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Ninh Bình. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương: Sản phẩm CNHT do doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp chủ yếu là sản phẩm phụ: Săm, lốp, dây điện, sơn và một số đồ nhựa nội thất. Các bộ phận chính như động cơ và chi tiết động cơ, hệ thống truyền lực xe, khung thân vỏ, cửa xe, hệ thống phanh... đều được nhập khẩu.
Nhiều ưu đãi hấp dẫn
Việc liên doanh giữa Công ty CP Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor Company được tỉnh xác định đây là cơ hội tốt cho ngành Công nghiệp Ninh Bình bứt phá. Tỉnh cũng đã có các chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho liên doanh Hyundai Thành Công tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lắp ráp tại Ninh Bình cũng như phát triển mạng lưới công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá... theo định hướng, tầm nhìn của Chính phủ ban hành về nhiệm vụ phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Để tăng tính hấp dẫn cho CNHT sản xuất, lắp ráp ôtô và ngành CNHT nói chung, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển CNHT. Cụ thể, về đất đai, các dự án đầu tư sản xuất trong khu, cụm công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng, được ngân sách tỉnh ứng trước 100% chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thuế thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm CNHT cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 10%, thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp về hoàn thiện thủ tục hành chính, đào tạo lao động, thông tin quảng cáo, đổi mới khoa học - công nghệ…
Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng, trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh; đồng thời xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương sau khi Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tiếp tục có cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng sự liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt, tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
Theo baoninhbinh.org.vn