Một nhóm các nhà khoa học về tạo hình công nghiệp Australia vừa phát triển thành công con mắt điện tử đầu tiên trên thế giới, thiết bị có thể giúp hàng nghìn người khiếm thị trên thế giới có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng trở lại.
Theo các nhà khoa học, người khiếm thị được cấy mắt điện tử có cơ hội nhìn thấy các dạng hình cơ bản được tập hợp bởi các tia sáng thông qua một chiếc kính giống như thiết bị Google Glass. Camera gắn trên chiếc kính này sẽ tập hợp hình ảnh, thông tin và chuyển thành dạng tín hiệu và được truyền tới một con chíp siêu nhỏ được cấy trong não bộ của người nhận.
Ý tưởng của việc phát triển con mắt điện tử bắt nguồn từ việc các nhà khoa học cho rằng có thể truyền tín hiệu hình ảnh trực tiếp lên não bộ người đã bị cắt bỏ con mắt tổn thương thông qua kết nối không dây.
Ông Mark Armstrong, Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển mắt điện tử thuộc Đại học Monash, cho biết đây là thiết bị cấy não bộ không dây đầu tiên trên thế giới được phát triển cho người khiếm thị và con mắt điện tử này được kỳ vọng sẽ mang lại ánh sáng và hình ảnh cơ bản cho những người mất hoàn toàn thị lực. Công trình dự kiến sẽ được đưa vào thực tiễn trong năm tới.
Nhóm nghiên cứu cho biết mặc dù thiết bị này chưa thể mang lại thị lực hoàn toàn cho người khiếm thị, song đối với những người bị mù hoàn toàn, chỉ một lượng nhỏ thông tin cũng mang lại hữu ích to lớn. Với công nghệ này, người khiếm thị sẽ không phải thường xuyên cấy các thiết bị xử lý kết nối có dây trong não bộ để có thể nhìn thấy ánh sáng.
Theo nhận định của nhóm các nhà khoa học, thiết bị mắt điện tử sẽ giúp ích được cho hơn 85% người khiếm thị trên toàn thế giới. Thách thức hiện nay đối với nhóm là phát triển chiếc kính nhẹ hơn và có thể có kích cỡ phù hợp và mang lại cảm giác thoải mái đối với từng người khiếm thị./.
TTX