Thứ Bảy, 21/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 30/5/2013 20:0'(GMT+7)

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố

Bán hàng ăn sẵn trước cổng trường học. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bán hàng ăn sẵn trước cổng trường học. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, cộng với công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống này còn nhiều khó khăn nên tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nếu như không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.

Nhiều người dân hiện nay có thói quen lựa chọn thức ăn đường phố vì giá cả rẻ hơn so với ăn ở những nơi khác và thuận tiện khi gửi xe. Tuy nhiên đây là loại hình dịch vụ khó kiểm soát nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm do phần lớn những người bán hàng thường xuyên di chuyển địa điểm, nhiều người kinh doanh theo thời vụ và đa phần không có được những kiến thức đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, các trạm y tế xã phường là đơn vị quản lý trực tiếp loại hình thức ăn đường phố, tuy nhiên do lực lượng mỏng nên đội ngũ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát và tập hợp những người buôn bán để phổ biến kiến thức cũng như thực hiện khám sức khỏe định kỳ.

Ông Đặng Ngọc Hùng, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng cho biết, những lỗi vi phạm phổ biến mà người buôn bán thức ăn đường phố hay mắc phải là không có tủ lạnh để lưu mẫu thực phẩm và bảo quản thức ăn dư thừa. Bát đĩa khi khách ăn xong chỉ được rửa sơ qua do không có đủ nước, không gian buôn bán không đảm bảo vệ sinh môi trường, nguyên liệu chế biến không có nguồn gốc rõ ràng...

Vì vậy, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng tới kiểm tra thường không lấy được mẫu thực phẩm gây bệnh để mang đi xét nghiệm.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngành y tế thành phố chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người buôn bán, kinh doanh và người tiêu dùng thức ăn đường phố; phối hợp với các quận huyện, xã phường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao vai trò của đội ngũ y tế xã phường trong công tác quản lý dịch vụ ăn uống này.

Đồng thời tổ chức, vận động những người kinh doanh buôn bán tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ, qua đó từng bước kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với dịch vụ thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất