Chủ Nhật, 8/12/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 15/12/2021 10:31'(GMT+7)

Phát triển giáo dục nghề nghiệp chú trọng phân luồng trong giáo dục

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau hơn 35 đổi mới khi thực hiện các đột phá chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 05 năm 2016-2020 đánh giá(1): Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá; các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia bắt đầu hình thành. Quy mô nhân lực của nền kinh tế có sự gia tăng rõ nét trong tất cả các ngành, lĩnh vực, ước năm 2020 có khoảng 54,6 triệu người. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao. Công tác đào tạo nhân lực đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng; đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; bước đầu áp dụng các phương pháp đào tạo của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí...

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông đã được quan tâm hơn, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề; đầu tư trọng tâm, trọng điểm các trường, các ngành tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới. Nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo có cơ chế khuyến khích sinh viên, học viên nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là thông qua quỹ phát triển khoa học, công nghệ. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục - đào tạo đã bước đầu tiếp cận dạy và học qua Internet, truyền hình với nhiều hình thức khác nhau.

Trong công tác giáo dục, việc phân luồng học sinh hiện nay cũng đang là những vấn đề có tính chất lý luận và thực tiễn quan trọng đối với khoa học giáo dục, đối với dạy nghề, cũng như việc phân luồng hiện nay của chúng ta. Dạy nghề Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của nền văn minh lúa nước và các làng nghề truyền thống và quá trình CNH, HĐH đất nước. Năm 1998, Tổng cục Dạy nghề được tái lập thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Hiện nay đã hình thành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ và thống nhất tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động dạy nghề. Hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành trong hệ thống giáo dục quốc dân, gồm: Dạy nghề chính quy với 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) và dạy nghề thường xuyên thay thế cho dạy nghề trước đây chỉ bao gồm dạy nghề ngắn hạn và dài hạn. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố. Xã hội hoá và thực hiện công bằng trong dạy nghề được đẩy mạnh. Chất lượng đào tạo một số ngành nghề được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, cơ cấu đào tạo nghề theo trình độ và nghề đào tạo chưa đáp ứng được cơ cấu lao động cần sử dụng của các ngành kinh tế và thị trường lao động; Chất lượng đào tạo nghề còn thấp, do đó, còn khoảng cách giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động.

Giáo dục hướng nghiệp hiệu quả thấp. Số đông học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ và hoạt động xã hội; thiếu tính chủ động sáng tạo, hạn chế về khả nǎng vận dụng kiến thức vào sản xuất và đời sống; chưa thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động. Nhiều học sinh, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm hoặc phải làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế trên đây là do, một số cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ vai trò của công tác dạy nghề, công tác phân luồng cho học sinh, chưa có giải pháp cụ thể về dạy nghề, phân luồng gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và điều tra khảo sát nhu cầu học nghề còn hạn chế. Mạng lưới dạy nghề ở cơ sở còn thiếu về số lượng, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình, giáo trình dạy nghề, giáo viên dạy nghề còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn. 

Để phát huy vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong giáo dục, cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác phân luồng là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng lao động và toàn xã hội. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cũng như nhận thức của lãnh đạo các cấp và nhân dân về vai trò của việc giáo dục nghề nghiệp và về phân luồng trong giáo dục.

Cần tăng cường tuyên tuyên đường lối của Đảng về: “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng quy mô đào tạo cao đẳng giáo dục nghề nghiệp cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho xuất khẩu lao động”; “Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích phát triển các hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt, ngoài công lập, tại doanh nghiệp, tại làng nghề”. Tuyên truyên về giáo dục nghề nghiệp là một thành tố và là thành tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định phát triển nguồn nhân lực. Ở đây yếu tố con người, vốn con người đã trở thành một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực và trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2021 - 2025 để chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành địa phương và tổ chức thực hiện.

Phân luồng trong giáo dục là phải định hướng được nghề nghiệp, có những biện pháp, chính sách hợp lý cho người học giáo dục nghề nghiệp. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội nghề nghiệp cần tổ chức quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo, trong đó có phát triển giáo dục nghề nghiệp; và tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp; hình thành các bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội về giáo dục nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục; phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực, yếu tố có tính quyết định để phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Nâng cao nhận thức của các doanh nhân về lợi ích của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó chủ động tham gia, đóng góp chính và tích cực vào giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giảm bớt tâm lý khoa cử, thói quen chuộng bằng cấp hiện vẫn còn rất nặng trong nhân dân, là rào cản khiến việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Công tác khoa giáo sẽ góp phần làm cho học sinh nghĩ đến đi học giáo dục nghề nghiệp, chứ không phải chỉ khi không thể học đại học, cao đẳng thì mới đi học giáo dục nghề nghiệp.Tuyên truyền cho các gia đình, phụ huynh học sinh căn cứ vào năng lực của con em, của gia đình để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.

Đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động nghề nghiệp và phân luồng giáo dục. “Xã hội hoá giáo dục” là chủ trương nhất quán của Đảng để đẩy mạnh phát triển giáo dục ở nước ta và để thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng, đó là gắn nhà trường, gắn giáo dục với xã hội, giáo dục luôn đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc vận động các tổ chức đoàn thể, cá nhân cùng tham gia tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là một giải pháp quan trọng. Huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp để nhanh chóng xã hội hóa công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh sau trung học, tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học suốt đời của mọi người. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội, sư tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thu hút các nguồn lực quốc tế, thông qua các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp; đồng thời huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người học để phát triển giáo dục nghề nghiệp góp phần thúc đẩy công tác phân luồng trong giáo dục../.

Phong Duy

-----------------------------------

  (1) - Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tập II, Hà nội 2021.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất