Thứ Bảy, 9/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 13/12/2021 15:46'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Ban chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong những năm qua, Tổng cục GDNN chỉ đạo các địa phương, cơ sở GDNN quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng GDNN của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, khẳng định vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

1. Giai đoạn 2015-2020, đội ngũ nhà giáo GDNN trên cả nước phát triển nhanh về số lượng cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo GDNN từng bước được chuẩn hóa. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo GDNN từng bước được bổ sung, cơ bản hoàn thiện, ngoài được hưởng chế độ chính sách chung như những nhà giáo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân (chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút,…) nhà giáo GDNN còn được hưởng các chế độ, chính sách khác như: chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp giảng dạy thực hành các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm công việc đối với nhà giáo giảng dạy cho người khuyết tật.

Nguồn lực bảo đảm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo GDNN được chú trọng ưu tiên, trong đó đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chuẩn hóa về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm ở trong nước và nước ngoài; đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo hướng tăng cường năng lực thực hiện; đổi mới đánh giá chất lượng nhà giáo theo hướng đi vào thực chất hơn, tăng quyền tự chủ cho người đứng đầu cơ sở GDNN.

Đến nay, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN(1) với 83.959 giảng viên, GV dạy nghề (37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo GDNN tại các trung tâm GDNN và các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN). Hầu hết nhà giáo GDNN có chuẩn về nghiệp vụ sư phạm và đạt chuẩn về trình độ đào tạo(2). Khoảng 70% nhà giáo GDNN đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành. Cơ cấu nhà giáo GDNN cơ bản phù hợp với mục tiêu đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực. Tổng số cán bộ quản lý GDNN là 20.627 người, có trình độ chuyên môn, trong đó 94,21% có trình độ ĐH và trên ĐH, gần 50% cán bộ quản lý cơ sở GDNN có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ quản lý GDNN. Hầu hết nhà giáo GDNN đạt chuẩn chức danh nghề theo quy định(3), có phẩm chất, đạo đức tốt, tận tụy với sự nghiệp đào tạo. Một số nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” và các giải thưởng cao quý khác, hàng ngàn nhà giáo được công nhận nhà giáo dạy giỏi các cấp.

Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu nhà giáo ở nhiều cơ sở GDNN còn thiếu, nhất là thiếu đội ngũ có trình độ kỹ năng nghề cao, thiếu nhà giáo giảng dạy ở các ngành nghề chuyển giao cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN. Số lượng cán bộ quản lý nhà nuớc về GDNN ở các địa phương còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Năng lực chuyên môn, sư phạm, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng nghề của một bộ phận nhà giáo GDNN nhìn chung còn hạn chế, ảnh hướng tới khả năng cập nhật công nghệ mới, tiên tiến của khu vực và thế giới vào trong giảng dạy. Năng lực quản lý, quản trị và trình độ đào tạo của nhiều cán bộ quản lý các trường trung cấp, trung tâm GDNN còn bất cập, chưa chuyên nghiệp, chưa thích ứng với sự thay đổi của khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế để đổi mới công tác quản lý tổ chức và hoạt động GDNN. 

2. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ(4), công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo GDNN giai đoạn 2015-2020 được chú trọng đẩy mạnh cả trong nước và nước ngoài. Ở trong nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo GDNN để chuẩn hóa về nghiệp vụ sư phạm, nâng cao năng lực giảng dạy theo phương pháp tiếp cận năng lực, bồi dưỡng kỹ năng nghề và tổ chức kiểm tra, đánh giá, nâng cao tiếng Anh chuyên ngành, công nghệ mới(5). Bồi dưỡng ở nước ngoài về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo GDNN đạt chuẩn giảng dạy các chương trình nhận chuyển giao và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho cán bộ cơ sở GDNN(6). Ngoài ra, hằng năm, Tổng cục GDNN phối hợp với các tổ chức quốc tế có uy tín (ILO, GIZ, Hội đồng Anh....) tổ chức nhiều khóa học đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về nội dung, yêu cầu mới do các nước có nền GDNN tiên tiến và các tổ chức quốc tế có uy tín tổ chức đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng quản trị cơ sở GDNN, kỹ năng số, tiếp cận công nghệ mới theo xu hướng trên thế giới....cho cán bộ quản lý GDNN các cấp.

Mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN được củng cố, phát triển, cơ bản phân bố đều trên khắp các vùng, miền trên cả nước với 45 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN(7). Quy mô, ngành nghề đào tạo nhà giáo GDNN trong các trường sư phạm kỹ thuật tiếp tục được mở rộng; nội dung, chương trình thường xuyên được đổi mới. Trong những năm qua đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo GDNN. Hằng năm, Tổng cục GDNN phối hợp với các tổ chức quốc tế có uy tín(8) tổ chức nhiều khóa học đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về kỹ năng số, tiếp cận công nghệ mới theo xu hướng phát triển GDNN trên thế giới góp phần nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị cho cán bộ quản lý GDNN.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN ở một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; nội dung, chương trình, cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chưa tinh gọn, hiệu quả; chưa cập nhật các công nghệ mới gắn liền với thực tiễn sản xuất; chưa tạo điều kiện để thu hút nhà giáo GDNN tham gia đào tạo, bồi dưỡng, học tập nâng cao chất lượng GDNN. Công tác tuyển sinh ngành sư phạm trong các trường sư phạm kỹ thuật còn gặp khó khăn. Đến nay, vẫn chưa có một cơ sở đào tạo chuyên sâu, bài bản và hệ thống về GDNN cho đội ngũ nhà giáo GDNN, nhất là trong bối cảnh GDNN chịu tác động mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phương thức sản xuất, kinh doanh và những thay đổi sau đại dịch Covid-19.

Một bộ phận nhà giáo GDNN còn chưa đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo quy định; trình độ đào tạo, năng lực quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý GDNN cấp huyện, CBQL các trường trung cấp, trung tâm GDNN nhìn chung còn yếu. Hằng năm, số lượng nhà giáo GDNN được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chưa đạt được mục tiêu đề ra. 

3. Việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo GDNN đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ này. Nhiều cơ sở GDNN đã triển khai áp dụng các quy trình ISO vào giải quyết công việc, giúp cho việc giải quyết chế độ, chính sách nhanh chóng, đúng thời gian quy định và không để xảy ra tình trạng khiếu nại về chế độ, chính sách...góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp phát triển GDNN.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo GDNN còn chậm, có khi chưa hợp lý. Theo quy định, nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề và các chế độ phụ cấp khác trong khi cán bộ quản lý GDNN thì không được hưởng các chế độ, chính sách này đã ảnh hưởng đến việc điều động nhà giáo sang làm công tác quản lý. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo giảng dạy trong cơ sở GDNN dân tộc nội trú, bán trú; khoa dân tộc nội trú của cơ sở GDNN chậm được ban hành. Chính sách ưu đãi đặc thù đối với nhà giáo GDNN chưa đủ mạnh để thu hút những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao trở thành nhà giáo GDNN; chế độ, chính sách tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo GDNN chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, chưa tương xứng với mức lương của lao động cùng trình độ tại doanh nghiệp.

4. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”;“Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD là khâu then chốt”; “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ GV”; “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD”; “Đào tạo con người phát triển toàn diện, chú trọng đến kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Vì vậy để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo GDNN. Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sớm xây dựng, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó xác định “Nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo GDNN là giải pháp đột phá” để thực hiện mục tiêu Chiến lược. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũnhà giáo GDNN, đặc biệt là xây dựng chế độ chính sách tiền lương mới, đảm bảo tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống nhà giáo và gia đình.

Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển nhanh đội ngũ người dạy nghề tại doanh nghiệp để tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành khung năng lực đối với cán bộ quản lý GDNN các cấp để làm cơ sở chuẩn hóa, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý GDNN theo vị trí việc làm và khung năng lực quy định. Xây dựng chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ quản lý GDNN, nhất là đội ngũ cán bộ của cơ sở GDNN đang công tác tại vùng khó khăn; chính sách tôn vinh, khen thưởng đội ngũ CBQL GDNN giỏi bao gồm cả các cơ sở GDNN ngoài công lập.

Thứ hai, nâng cao chất lương công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các nguồn lực xã hội để phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về nội dung chương trình đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, cập nhật công nghệ mới, gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đổi mới phương thức tổ chức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, tạo điều kiện để nhà giáo GDNN có thể tiếp cận, tham gia học tập, bồi dưỡng; công nhận năng lực mà nhà giáo đã tích lũy được qua thực tiễn giảng dạy và nghề nghiệp để tránh việc đào tạo, bồi dưỡng lại gây lãng phí nguồn lực;...

Tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, người học về vai trò, vị trí của học nghề trong sự phát triển của xã hội, vai trò, vị trí của đội ngũ nhà giáo GDNN trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng GDNN. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ NG&CBQLGDNN: Mở rộng quan hệ hợp tác với một số nước có lĩnh vực dạy nghề phát triển như Vương quốc Anh, Ôxtrâylia, Cộng hoà liên bang Đức... và các tổ chức quốc tế trong các hoạt động hội nghị, hội thảo quốc tế; khảo sát học tập kinh nghiệm về đào tạo nhà giáo, cán bộ quản lý ở nước ngoài; lựa chọn và thí điểm áp dụng các mô hình và chương trình đào tạo nhà giáo.

Nghiên cứu thí điểm hình thành một số Trung tâm vùng có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và người đào tạo trong doanh nghiệp, trung tâm thực hành dùng chung cho các ngành, nghề đào tạo trọng điểm, trung tâm đổi mới, sáng tạo, đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, kiểm định chất lượng GDNN và thí điểm các mô hình đào tạo mới. Xây dựng Học viện GDNN có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành quản lý GDNN; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong GDNN.

Xây dựng ngân hàng các chương trình và học liệu đào tạo số về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN; phát triển các mô hình mạng kết nối (networking) cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người dạy trong doanh nghiệp để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong hoạt động giảng dạy./.

Trần Minh Thịnh-
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp
--------------------
(1) - Trong đó có: 399 trường cao đẳng, 458 trung cấp, 1.052 trung tâm GDNN.
(2) - 31,7 % có trình độ trên ĐH; 60,1% có trình độ ĐH, CĐ hoặc CĐ nghề và 8,2% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề.
(3) - Việc đánh giá tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo GDNN được chia thành ba loại: đối với nhà giáo dạy lý thuyết đạt chuẩn có 18.448 người; nhà giáo dạy thực hành đạt chuẩn có 23.287 người; nhà giáo dạy tích hợp đạt chuẩn có 35.650 người; nhà giáo giảng dạy thực hành và tích hợp đạt chuẩn về kỹ năng nghề chiếm 91,13%.
(4) - Quyết định số 630/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 371/QĐ-TTg, ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế” giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 371/QĐ-TTg; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
(5) - 20.041 lượt nhà giáo, 1.000 CBQL nhà nước các cấp và 8.000 CBQL cơ sở GDNN.
(6) - 2.010 lượt cán bộ, 45 CBQL hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
(7) - 05 trường ĐHSP kỹ thuật; 05 khoa SPKT trong các trường ĐH, viện nghiên cứu và 35 khoa sư phạm GDNN thuộc các trường CĐ.
(8) - ILO, GIZ, Hội đồng Anh...

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất