Ngày 17/1, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức
Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Nghị định số
203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác
khoáng sản.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho
biết Luật khoáng sản 2010 được ban hành và thực thi đã góp phần không
nhỏ đưa công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp.
Điểm mang tính đột phá trong Luật là quy định về đấu giá quyền khai thác
khoáng sản. Các doanh nghiệp và cá nhân có đủ điều kiện vào đấu giá,
trả giá cao hơn thì người đó được Nhà nước cấp mỏ, còn những trường hợp
không đấu giá và những trường hợp được cấp trước ngày Luật khoáng sản
2010 có hiệu lực, phần trữ lượng còn lại phải đóng tiền cấp quyền. Việc
thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là nhằm công bằng với những
người đấu giá.
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ra đời hướng
dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 là đúng lộ trình và cấp thiết.
Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp là rất cần
thiết. Đây là một chính sách mới, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước;
đồng thời là tiền đề quan trọng để Nhà nước, Chính phủ có nguồn thu để
đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ
lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra cho địa phương.
Quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một quy trình bắt đầu
từ việc đánh giá tác động về thủ tục hành chính trong quá trình dự thảo
do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện;
gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính; công
khai minh bạch thủ tục hành chính sau khi ban hành...
Nghị định số 203/2013/NĐ-CP đã thống nhất về mặt nhận thức, hiểu rõ về
cách làm trong toàn bộ hệ thống là chìa khóa để triển khai thành công
nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đã được quy định trong Luật Khoáng sản
năm 2010, vốn được coi là một việc khó, nhiều va chạm./.
(TTXVN)