Thành tích dưới tiềm năng
Với lợi thế là thành phố của những di sản và lễ hội, cố đô lịch sử, 5 di sản của Huế đã được UNESCO công nhận gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016).
Nói đến di sản Huế, nổi bật là hệ thống kinh thành rộng 700 ha với Hoàng thành và trên những vùng đồi núi rợp bóng thông xanh biếc rộng lớn ở phía Tây Nam là hệ thống lăng tẩm của các Vua triều Nguyễn với sự hài hòa của cảnh sắc thiên nhiên, sự tinh tế độc đáo của các công trình kiến trúc.
Năm 2017, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Huế đạt 6.772 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đạt 3,8 triệu lượt, tăng 16%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại buổi làm việc vẫn đánh giá, sự gia tăng này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng đất duy nhất trên cả nước có 5 di sản thế giới nhưng kinh tế du lịch chỉ góp 15% vào GDP.
Mặc dù tiềm năng là rất lớn, nhưng du lịch của Thừa Thiên Huế được nhiều chuyên gia đánh giá là phát triển chậm so với các địa phương khác. Nguyên nhân được cho rằng: sản phẩm du lịch chưa có sự cạnh tranh cao, thiếu tính độc đáo. Các thế mạnh tiềm năng du lịch chưa khai thác hết, chủ yếu mới dựa vào du lịch di sản.
Cùng với đó, doanh nghiệp lữ hành của Huế hầu hết vẫn chỉ có quy mô nhỏ, chủ yếu là nối tour đến Huế. Đường hàng không quá yếu, công suất đón khách của sân bay Phú Bài chỉ 1,6 triệu lượt khách/năm. Các sự kiện du lịch tại Huế quá nhỏ và ngắn ngày, không đủ sức hấp dẫn du khách đến Huế...
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, để du lịch Thừa Thiên Huế tăng trưởng, cần phải có thêm những mô hình trung tâm biểu diễn nghệ thuật quy mô hiện đại; các trung tâm mua sắm để giữ chân du khách ở lại Huế dài ngày hơn, tiêu tiền nhiều hơn.
Góp ý với địa phương về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Thừa Thiên – Huế cần mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch của địa phương chứ không chỉ riêng cho Lăng Cô và Chân Mây. Ngoài các sản phẩm du lịch di sản, truyền thống, Huế cần có những sản phẩm mới, hấp dẫn du khách hơn kể cả xây dựng Casino, sân Golft, tổ hợp khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại.
“Đừng để phát triển bình bình”
Kết luận buổi làm việc, đánh giá kết quả kinh tế-xã hội Thừa Thiên-Huế tăng trưởng tốt, đời sống người dân được cải thiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những chỉ tiêu đạt tốt của địa phương như giảm nghèo, độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự... Huế là địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão với trách nhiệm cao của cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện tốt, nhất là du lịch, dịch vụ, đem lại nguồn lợi cho nhân dân.
Bên cạnh những thành quả đó, Thủ tướng đã chỉ ra một số điểm hạn chế mà Thừa Thiên-Huế cần nỗ lực khắc phục để có thành tích tốt hơn. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, mặc dù có thế mạnh về kết nối hạ tầng nhưng Huế chưa tạo được sự đột phá cần thiết, môi trường đầu tư chỉ ở mức trung bình, chỉ số VAPI đứng thứ 42/63...
[Sông Hương là trục chính trong quy hoạch phát triển đô thị Huế]
Do đó, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị tỉnh cần gần dân, sát dân, hơn giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp; phải tạo nên sự phát triển đột phá mạnh mẽ hơn, “đừng để phát triển bình bình” mà phải đổi mới quyết liệt, cách mạnh hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm dự án Khu du lich nghỉ dưỡng Laguna (tại Lăng Cô, do Singapore đầu tư). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhấn mạnh đến đặc thù của Huế - miền đất của văn hóa, lịch sử Việt Nam mà ít nơi nào có được, Thủ tướng nêu rõ, Huế nằm trong một vùng dày đặc di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Bản thân Huế cũng là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thiên nhiên kỳ vĩ “ít nơi nào sánh kịp”. Đây là lợi thế so sánh, tiềm năng để phát triển địa phương.
Từ đó, Thủ tướng định hướng phát triển Huế phải khác với mô hình thành phố sôi động như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng mà phải khai thác thế mạnh văn hóa, lịch sử, “vẻ đẹp Huế, chẳng nơi nào sánh được”; phải dựa trên chiều sâu về văn hóa, con người ở đây để phát triển.
Để làm được điều đó, Thủ tướng gợi ý Huế cần có một quy hoạch tốt và quản lý tốt quy hoạch sao cho vẻ đẹp Huế cổ kính nhưng hài hòa trong tổng thể, đưa du lịch thực sự trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Du lịch, dịch vụ và liên kết kinh tế
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đưa ra yêu cầu thực hiện hướng đột phá của Huế là du lịch, dịch vụ và liên kết kinh tế.
Với mục tiêu đó, Huế cần có một hệ sinh thái du lịch bài bản, chuyên nghiệp, có chiều sâu; để sao cho du khách đến Huế phải lưu lại dài ngày hơn, “không phải số lượng nhiều là tốt mà lưu lại dài ngày mới đem lại thu nhập cao,” Thủ tướng nói và đề nghị tỉnh cần phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý di sản, phát triển du lịch.
Cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt chú ý đến các chỉ tiêu xếp hạng còn thấp, tính năng động của chính quyền, cần sự liên kết chặt chẽ giữa Đại học Huế với chính quyền các cấp”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “Đại học Huế là một cực phát triển của địa phương.”
Trên cơ sở đó, Thủ tướng mong muốn Huế đẩy mạnh việc huy động mọi nguồn lực, nhất là từ tư nhân để mở rộng đầu tư: giao thông, du lịch, y tế, công nghiệp... “Một tinh thần là hãy làm mạnh mẽ nhưng chặt chẽ”;“dám nghĩ, dám làm để phát triển,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Lưu ý địa phương chú trọng hơn nữa đến bảo vệ các môi trường sinh thái, văn hóa, an ninh, Thủ tướng mong muốn sao cho Huế luôn sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự từ nông thôn đến thành thị, xứng đáng là một thành phố di sản, thành phố Festival của Việt Nam, để các di sản phong phú, độc đáo mãi mãi cùng thời gian.
Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên Huế cần có chương trình hành động cụ thể thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả để áp dụng trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hiệp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương “bắt tay vào lo Tết cho dân tốt nhất”; có kế hoạch ra quân trước và trong Tết, tạo khí thế thi đua, sôi nổi phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh năm 2018 với kết quả tốt nhất.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, thị sát hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế, trực thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Số lượng thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm này là 1.401 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cơ quan theo ngành dọc được các bộ, ngành đặt tại địa phương, tiếp nhận khoảng 180-200 phiên giao dịch/ngày.
Tại đây, người dân, tổ chức khi nộp hồ sơ sẽ được số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử. Với phương châm “Thân thiện-Đơn giản-Đúng hẹn,” Trung tâm có bộ phận hướng dẫn người dân, tổ chức lấy số và các thắc mắc, bộ phận giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và hoàn trả thủ tục hành chính nhanh, gọn, công khai minh bạch.
Sự ra đời của Trung tâm Hành chính công tỉnh cùng với hệ thống Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tối cùng ngày, trước khi rời Huế, Thủ tướng đã tới thăm hỏi, tặng quà hai Mẹ Việt Nam Anh hùng sinh sống trên địa bàn thành phố Huế là các Mẹ: Nguyễn Thị Hường ở 42 Hoàng Văn Thụ, phường Xuân Phú và mẹ Nguyễn Thị Hiệp, ở tại 2A/18 Đào Tấn, phường Trường An./.
TTX