Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã trải qua một năm nỗ lực để
đạt được nhiều thành quả vượt bậc. Năm 2017, Hà Nội có 20/20 chỉ tiêu đã
thực hiện hoàn thành, trong đó có bảy chỉ tiêu lớn, quan trọng bậc nhất
đã được hoàn thành vượt bậc.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết
2017 là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần
thứ XVI, kế hoạch 5 năm 2016-2020, thành phố triển khai thực hiện nhiệm
vụ phát triển kinh tế-xã hội với khối lượng công việc rất lớn.
Trong năm 2017, Hà Nội gặp nhiều khó khăn như thiên tai khắc nghiệt,
hiện tượng nắng nóng xuất hiện, sau đó mưa nhiều gây úng ngập diện rộng;
việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp
phần nào bị ảnh hưởng; bệnh sốt xuất huyết lan rộng...
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định yếu tố
quyết định sự thành công là chính là sự đổi mới mạnh mẽ từ công tác chỉ
đạo, đưa ra các chủ trương, đường lối mang tầm vĩ mô, xuyên suốt và sự
vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ người đứng đầu đơn vị cũng như các cấp
chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, năm 2018 còn rất nhiều khó khăn, thách thức,
nhiều kế hoạch, dự định và chương trình mục tiêu mà thành phố Hà Nội đề
ra cần được thực hiện thành công. Từ việc bộ máy chính quyền các cấp đã
được sắp xếp tinh gọn, năng động, kết hợp đưa công nghệ thông tin vào
điều hành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tin tưởng rằng Đảng
bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, với bộ máy cơ bản đã
được kiện toàn, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 đã được
thành phố triển khai thực hiện với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết
liệt. Kết quả, kinh tế Hà Nội năm 2017 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng
khá so với cùng kỳ năm trước.
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang; văn hóa giáo
dục, an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt; chính trị, xã hội ổn định,
quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố, trật tự, an toàn xã hội có
chuyển biến tốt hơn.
Cầu Nhật Tân (nhìn từ phía huyện Đông Anh). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh) tăng 8,5%;
vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) tăng 10,5%; tổng
mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội
tăng 11,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3%; khách du lịch đến Hà Nội
tăng 10%...
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội xác định muốn
công việc được giải quyết nhanh chóng, chính xác, tránh phiền hà cho nhà
đầu tư, doanh nghiệp và người dân thì công tác sắp xếp bộ máy là hết
sức cần thiết. Vì vậy, năm 2017 thành phố đã chú trọng thực hiện công
tác kiện toàn, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị, qua đó đánh
giá năng lực cán bộ và tiến hành sắp xếp các đầu mối công việc tinh gọn
hơn. Từ việc sắp xếp tinh gọn, các nguồn lực đầu tư, dự án đầu tư cũng
được cơ quan chức năng của thành phố quản lý hiệu quả, tránh dàn trải;
người đứng đầu đơn vị, ngành có trách nhiệm rõ ràng hơn.
Thành phố đã sắp xếp xong tổ chức bộ máy của 22 sở và tương đương, các
phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; chấm dứt tổ chức hoạt động
của Hội nông dân cấp quận, phường tại một số quận; giảm số đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan thành phố và quận, huyện, thị xã
từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị (giảm 30,2%).
Hà Nội cũng hoàn thành việc sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); tinh giản được 1.267 biên chế.
Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động chất lượng, hiệu quả.
Hà Nội đang tạo được môi trường đầu tư có uy tín, hấp dẫn các nhà đầu tư
trong và ngoài nước. Năm 2017, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành
phố Hà Nội đạt 308.219 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ; trong đó, vốn
nhà nước trên địa bàn tăng 2,7%; vốn ngoài nhà nước tăng 18,1%, vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,4%...
Năm 2017, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi
trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường hỗ
trợ nhà đầu tư từ khâu đăng ký đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn
trong quá trình thực hiện dự án.
Thành phố đã tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản cùng
đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ; đã ký biên bản ghi nhớ với đối
tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD; tổ chức thành công
Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển.”
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thủ đô liên tục tăng hạng trong
các năm gần đây. Năm 2016, Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở
vị trí 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2017, thành phố
đã thu hút được 462 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng
ký 2,4 tỷ USD, tăng 12 dự án; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng
10 bậc (năm thứ 4 liên tiếp tăng hạng), đưa Hà Nội lần đầu tiên bước vào
nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.
Ngoài ra, thành phố còn chú trọng thu hút vốn đầu tư trong nước. Ước
tính năm 2017 thành phố đã chấp thuận đầu tư 160 dự án đầu tư vốn ngoài
ngân sách, với số vốn đăng ký 110 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận 128 dự án
theo hình thức PPP (9 dự án chuyển hình thức đầu tư, còn 119 dự án),
trong đó tám dự án đã hoàn thành, 12 dự án đang triển khai thực hiện, 99
dự án đang tiến hành các thủ tục. Thành phố định hướng thu hút nguồn
vốn FDI có chọn lọc các dự án chất lượng, khuyến khích các dự án phát
triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử
dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...
Thành phố cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký
kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá (tỷ lệ đăng ký kinh
doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%). Ước tính năm 2017 thành phố đã cấp
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 doanh nghiệp, tăng 11% so
cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký đạt 240 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với
cùng kỳ năm 2016.
Trong năm 2017, Hà Nội tập trung cải cách hành chính công, đơn giản hóa
các thủ tục hành chính nhằm kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư về du
lịch - một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của Thủ đô và đất
nước. Thành phố còn kêu gọi, khuyến khích đầu tư vào các dự án, các sản
phẩm du lịch tiêu biểu như công viên văn hóa, khu du lịch sinh thái, mở
tuyến xe buýt mới City tour. Do đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong
năm 2017 tiếp tục tăng cao.
Khách du lịch thăm quan khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Trong năm qua, khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích du lịch, nghỉ ngơi
đạt 3,226 triệu lượt khách, chiếm 85,9% và tăng 33,2% so cùng kỳ; khách
đến vì công việc đạt 439.000 lượt khách, chiếm 11,7% và tăng 13,8%;
khách đến với mục đích thăm người thân đạt 9.000 lượt, tăng 28,8% và đến
với mục đích khác đạt 81.000 lượt, bằng 93,2% so cùng kỳ năm trước.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 70.960 tỷ đồng, tăng 15% so với năm
2016.
Tại Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm 2017 đạt 207.628 tỷ đồng,
bằng 101,4% dự toán do Hội đồng Nhân dân thành phố giao và tăng 15,7%
so thực hiện năm 2016; trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt
17.988 tỷ đồng, đạt 104,6 dự toán và tăng 10,9%; thu nội địa đạt 187.640
tỷ đồng, đạt 101% dự toán...
Việc thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính” gắn với việc tổ chức triển khai
hai bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và quy tắc ứng
xử nơi công cộng đã tạo ra những chuyển biến và kết quả rõ nét cho Hà
Nội. Chỉ số Cải cách hành chính (Parindex) của thành phố tăng 6 bậc, xếp
thứ 3 cả nước.
Với tinh thần tự tin, khẩn trương bước vào năm 2018, Hà Nội tiếp tục cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo,
khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thành phố tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình
tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thành phố cũng phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an
sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện tốt hơn
công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và
bảo vệ môi trường. Hà Nội tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều
hành ở tất cả các ngành, các cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
tăng cường phòng, chống tham nhũng; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật
tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc
tế.
Một số nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định rõ để tập trung thực hiện
là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu
quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các
ngành, các cấp; thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; đẩy mạnh thu
hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án
đầu tư nước ngoài; tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ
bản ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Thành phố tổ chức rà soát và có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình
trạng thiếu trường học công lập tại các khu vực đô thị hóa cao; đôn đốc
tiến độ thực hiện đối với các dự án xã hội hóa xây dựng trường học; tiếp
tục quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, Hà Nội xây
dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông
minh./.
Theo TTXVN