Hội thảo xúc tiến đầu tư vào các khu công nghệ cao Việt Nam đã diễn ra tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM do bộ KHCN và KHĐT tổ chức.
Buổi hội thảo xoay quanh các vấn đề: báo cáo tình hình khu công nghệ cao (CNC) và quy mô các khu CNC trong nước; giới thiệu luật CNC; báo cáo các khu CNC trên thế giới và các địa phương trong cả nước…
Khu CNC là xu hướng để phát triển địa phương
Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng – Trưởng ban KHCN Địa Phương, bộ KHCN cho biết, các khu CNC (công nghiệp CNC, nông nghiệp CNC, công nghiệp ứng dụng CNC) đã bước đầu được hình thành và dần trở thành một xu hướng mà các địa phương quyết tâm xây dựng vì đó là những trung tâm tạo ra giá trị sản xuất có năng suất và hiệu quả cao, đóng góp phần lớn cho thu ngân sách trên địa bàn và cũng là yếu tố thúc đẩy các ngành sản xuất khác cùng phát triển. Theo ông, hầu hết các tỉnh thành đều đã hình thành các khu công nghiệp phục vụ cho các mục tiêu phát triển của mình. Tuy nhiên, có rất ít các khu CNC, trong khi các khu công nghiệp CNC, nông nghiệp CNC thì chưa thật sự có được những tiêu chí của một khu CNC hoàn chỉnh.
Cũng theo ông Luật, một trong những nguyên nhân quan trong dẫn đến việc sự chậm trễ triển khai các loại hình CNC tại các địa phương là do các địa phương thiếu hụt trầm trọng và chưa sãn sàng về nguồn nhân lực CNC. Điều đó dẫn đến không có nhiều dự án CNC được thực hiện. Ngoài 2 khu CNC TP.HCM (SHTP) và khu CNC Hòa Lạc (HHTP) thì hiện nay đã có 18 tỉnh thành có các khu nông nghiệp CNC triển khai một số dự án có yếu tố CNC của các tập đoàn lớn như Canon, Sumimoto, Foxcon, Mitac, Samsung. Bắc Ninh là tỉnh mặc dù các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động chỉ chiếm 40% tổng số dự án nhưng đã đóng góp trên 86% giá trị sản xuất công nghiệp và 96% giá trị xuất khẩu.
Phát triển CNC là một bài toán khó
Các đại biểu tham dự đồng tình cho rằng: các địa phương đã có quan tâm và phát triển các lĩnh vực hoạt động CNC. Tuy nhiên, có nhiều lúng túng trong việc định hướng phát triển lĩnh vực này; lúng túng trong việc xác định mô hình hoạt động của từng khu chức năng và sự liên kết các dự án trong các khu CNC với các phân khu chức năng khác trong khu CNC; chưa xác định được mô hình quản lý cho các khu CNC. Bên cạnh đó, chính sách kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực CNC còn chưa phù hợp, các thủ tục hành chính cần có sự cải tiến… Phát triển CNC, ứng dụng khai thác các sản phẩm CNC là một bài toán khó ngay cả với những khu CNC mang tầm quốc gia.
Giai đoạn hiện nay, với năng lực và trình độ quản lý của các địa phương còn nhiều bất cập, trưởng ban KHCN Địa Phương đã đưa ra các kiến nghị: địa phương nên chú trọng vào hoạt động chuyển giao và đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng để thúc đẩy việc tạo ra một số sản phẩm CNC đặc thù của từng địa phương. Một số biện pháp nhằm xóa bỏ những rào cản này: khu CNC cần chú trọng nghiên cứu và ứng dụng CNC, không dừng lại ở gia công, lắp ráp; đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư và xây dựng quy hoạch phát triển CNC lâu dài… Đồng thời, mở rộng mạng lưới hợp tác giữa các khu CNC trong và ngoài nước.
ViNetworks nhận giấy phép đầu tư tại HHTP
Dịp này, khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) đã trao giấy phép đầu tư cho công ty cổ phần Viễn Thông Mạng Việt (ViNetworks) đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá 26 triệu USD. Ông Trần Xuân Sơn, tổng giám đốc ViNetworks cho biết, giai đoạn đầu công ty sẽ đầu tư 26 triệu USD cho trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2009. Ngoài dự án ở Hòa Lạc, ViNetworks cũng đang lên kế hoạch xây thêm một trung tâm dữ liệu khác tại TP.HCM với vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD và 1 trung tâm tại Đà Nẵng. Việc thiết kế và quản lý trung tâm dữ liệu của ViNetworks sẽ được các đối tác chiến lược của công ty ở Nhật, nhà cung cấp hạ tầng công nghệ Cisco và các đối tác khác tại Silicon Valley hỗ trợ. Được biết, ViNetworks có vốn ban đầu là 100 triệu USD để thực thi cho các dự án của công ty ở Việt Nam trong 3 năm.
Điều kiện thành lập khu CNC 1. Phù hợp chính sách về phát triển CNC, công nghiệp CNC, nông nghiệp CNC 2. Có quy mô diện tích thích hợp, địa điểm thuận lợi 3. Có hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các hoạt động CNC 4. Có lộ trình quản lý chuyên nghiệp.
Chức năng nhiệm vụ khu CNC 1. Thực hiện các hoạt động CNC (nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ươm tạo, đào tạo, sản xuất…) 2. Liên kết các hoạt động CNC 3. Xúc tiến sản phẩm CNC (hội chợ, triển lãm, trình diễn…) 4. Thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài nước.
(Luật CNC) |