Thứ Hai, 30/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 1/12/2008 6:25'(GMT+7)

Ưu đãi đầu tư cho công nghiệp điện tử: Những cái được và... mất!

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những cái được...

Theo Tiến sĩ Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, ngành hàng công nghiệp điện tử Việt Nam được xây dựng lại sau năm 1994. Từ đó tới nay đã phát triển qua hai giai đoạn: Giai đoạn từ 1994 đến 2000: lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước và từ 2000 tới nay, lắp ráp sản phẩm công nghệ thông tin, sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử, máy tính xuất khẩu.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%, ngành hiện có khoảng 300 doanh nghiệp trong đó chiếm 1/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Trong vòng 10 năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã tăng tới 20 lần. Từ mức 94 triệu USD vào năm 1996 đã lên tới 1,77 tỷ USD năm 2006. Năm 2007 là 2,2 tỷ USD và năm 2008 dự kiến xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong lĩnh vực điện tử đã được ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên vật liệu ở mức 0-30% và trang thiết bị sản xuất 0%. Ngay cả thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được hưởng mức ưu đãi 0-15% thay vì 28% như các doanh nghiệp khác. Với các sản phẩm được chọn là sản phẩm công nghiệp trọng điểm như máy tính, tivi màu, doanh nghiệp còn được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, vốn vay...

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hưởng các khoản vay ưu đãi, ưu đãi tiền thuê/sử dụng đất và trợ cấp xuất khẩu. Hai hình thức ưu đãi được các doanh nghiệp quan tâm nhất là ưu đãi thuế nhập khẩu và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Những chính sách ưu đãi trên của nhà nước đã đem lại những hiệu quả tích cực như do được xác định là "ngành công nghiệp mũi nhọn" và được hưởng nhiều ưu đãi nên trong giai đoạn 1994-1998 ngành công nghiệp điện tử phát triển rất mạnh. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước ngành đã có trên 100 doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng. Sản phẩm của ngành cơ bản đã thoả mãn nhu cầu thị trường nội địa về các sản phẩm điện tử tiêu dùng thông dụng như tivi, đầu đĩa, điện lạnh...

... Và những bất cập

Tuy nhiên, chính sách ưu đãi cho ngành hàng điện tử cũng đã dẫn đến những hiệu quả tiêu cực. Mặc dù thoả mãn nhu cầu thị trường nội địa về các sản phẩm điện tử thông dụng song chính vì chỉ phát triển ngành điện tử tiêu dùng nên cơ cấu sản phẩm đã bị mất cân đối. Hầu như các doanh nghiệp chỉ tập trung vào các sản phẩm, dự án được hưởng ưu đãi, không coi trọng khâu nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới.

Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam với 64 doanh nghiệp cho thấy, đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là doanh nghiệp nội 100% mà chiếm tới 70% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó các hãng nước ngoài lại chỉ đầu tư vào lắp ráp sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước với số vốn không lớn chỉ cần từ vài đến vài chục triệu USD và thời gian cũng không dài, từ 10 đến 15 năm với hình thức liên doanh để hưởng các ưu đãi về bảo vệ sản xuất của Việt Nam. Điều này đã dẫn tới hầu như không có doanh nghiệp có vốn nước ngoài nào đầu tư thực sự cho công nghệ cao hoặc chuyển giao công nghệ nên phía Việt Nam chỉ thu được một số kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, các ưu đãi kể trên đều bị bãi bỏ theo cam kết khi gia nhập WTO nên các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng rất nhiều trong cả hai lĩnh vực sản xuất và phân phối. Chỉ riêng các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoặc là ngừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu, phân phối như Sony Việt Nam hoặc giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng...

Cần một sự chuyển mình

Tiến sỹ Trần Quang Hùng phân tích, đặc điểm của ngành công nghiệp điện tử hiện đại là chuyên môn hoá sâu và toàn cầu hoá rộng dẫn tới những thay đổi quan trọng về cơ cấu sản xuất và thay đổi phương thức sản xuất, điều này đòi hỏi công nghiệp điện tử Việt Nam cũng phải có những thay đổi tương tự để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực trong quá trình hội nhập.

Hiện các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN đều rất chú trọng phát triển công nghiệp điện tử, họ đã xác định được vị trí trong mạng lưới sản xuất điện tử toàn cầu và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của họ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp điện tử Việt muốn khẳng định vị thế của mình trong khu vực cần phải có một sự chuyển mình thực sự.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu trên cơ sở xác định rõ những công đoạn hoặc những sản phẩm có giá trị tăng cao mà mình có khả năng làm tốt nhằm khẳng định chỗ đứng trong ngành công nghiệp điện tử khu vực và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Ngoài ra, thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng như trước đây, các doanh nghiệp Việt cần tập trung đầu tư theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm đối tác trong khu vực, nhất là ở các nước có ngành công nghiệp điện tử phát triển để học hỏi kinh nghiệm từ việc hợp tác sản xuất, đầu tư, chuyển giao công nghệ. Với đặc điểm chuyên môn hoá cao của công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp Việt chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nỗ lực của phía doanh nghiệp vẫn chưa đủ, theo tiến sỹ Trần Quang Hùng, các doanh nghiệp vẫn luôn cần một bà đỡ từ nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các dự án hạ tầng liên quan tới công nghiệp điện tử và các chương trình khoa học công nghê, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, linh kiện phụ tùng và vật liệu mới... Một môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, hoàn thiện luật pháp để thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài và lựa chọn các sản phẩm, các công đoạn sản xuất... cũng rất cần thiết./.

(Theo:VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất