Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 20/1/2013 21:1'(GMT+7)

Phát triển kinh tế biển: Cần có tầm nhìn chiến lược

Tiềm năng, lợi thế và những mục tiêu cơ bản

Việt Nam là một quốc gia ven bờ Biển Đông, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền); bờ biển dài khoảng 3.260 km, cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển (trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền có 1 km bờ biển); có khoảng 3 nghìn đảo lớn, nhỏ gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc.

Nước ta có rất nhiều lợi thế về biển, đảo để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: dầu khí, khai thác thuỷ sản, du lịch, hàng hải... tạo tiềm lực mạnh mẽ để xây dựng và phát triển đất nước. Dự báo trữ lượng dầu khí toàn bộ thềm lục địa Việt Nam khoảng 3 - 4 tỷ tấn dầu quy đổi và khoảng 3 nghìn tỷ m3 khí, cùng các loại khoáng sản có giá trị khác. Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế thuỷ sản trong khu vực và trên thế giới. Vùng biển Việt Nam được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển, là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản giàu có nhất toàn cầu.

Phát huy những lợi thế trên, trong những năm qua, chúng ta đã có những thay đổi mang tính chiến lược, đạt được những thành tựu khá toàn diện trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế biển, đảo. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, trong đó có Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Luật Biển Việt Nam nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển và đã mang lại một số thành tựu rất quan trọng. Chủ quyền và các quan điểm, chủ trương, chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác biển, đảo của Việt Nam được thể hiện rõ trong Hiến pháp, Luật Biển Việt Nam và các luật có liên quan. Trong đó, nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phát triển kinh tế biển. Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc khai thác, phát triển kinh tế biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia.

Các nguồn lợi từ biển được phát huy và chiếm tỷ trọng thu nhập quốc dân (GDP) ngày càng lớn, đã và đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Nguồn lợi này là lợi thế giúp chúng ta có thể phát triển nền kinh tế đa dạng, bền vững. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển những năm gần đây tăng lên đáng kể, cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng phục vụ xuất khẩu. Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển từng bước được quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu. Trong quá trình phát triển kinh tế, đến nay đã hình thành một số trung tâm phát triển hướng ra biển, các ngành kinh tế biển quan trọng như dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch biển đều tăng trưởng với nhịp độ khá cao, “…kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp khoảng 48% GDP cả nước, trong đó, riêng kinh tế biển chiếm khoảng 22%”(1).

Xác định rõ tiềm năng và thế mạnh của biển, đảo Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”(2). Trong đó, mục tiêu cụ thể được xác định là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thuỷ sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”(3).

Đâu là những khó khăn, hạn chế ?

Thực hiện chủ trương của Đảng gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thời gian qua, chúng ta đã chủ động xây dựng và từng bước hoàn thiện thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và Hải đảo, nay nâng cấp thành Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và Hải đảo; triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 7 luật, 6 pháp lệnh, 2 bản tuyên bố, 19 nghị định và 6 quyết định liên quan đến quản lý và bảo vệ vùng biển, đảo Việt Nam; thông qua nhiều biện pháp tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định phải phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo, để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển nước ta, đồng thời xây dựng hệ thống các đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Về đầu tư phát triển, chúng ta đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển nghề đánh cá xa bờ, xây dựng hàng chục công trình cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo và một số điểm ven bờ, đóng mới nhiều tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia trên biển; đấu tranh quốc phòng, an ninh, ngoại giao; nghiên cứu và điều tra cơ bản; xây dựng được nhiều hạng mục công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đến nay, quy mô kinh tế biển của Việt Nam còn khá khiêm tốn, phương thức khai thác kinh tế biển chủ yếu là sản xuất nhỏ, các công trình hạ tầng kỹ thuật biển còn yếu kém và chưa đồng bộ. Bên cạnh công tác thăm dò khai thác dầu khí, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển mang lại một số kết quả nhất định, thì hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra ở những vùng biển, đảo có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông (sân bay, bến cảng…) như Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc... Nhiều vùng biển, đảo như Quan Lạn, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý… tuy có lợi thế lớn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Trong quá trình phát triển kinh tế biển và ven biển vẫn còn một số vấn đề chưa thực sự gắn chặt với lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia; công  tác quản lý còn thiên về coi trọng lợi ích kinh tế mà có phần xem nhẹ yếu tố an sinh xã hội; môi trường biển chưa được quan tâm đầu tư, xử lý kịp thời. Tình trạng khai thác tự phát, thiếu hoặc không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích; nhiều ngành, địa phương vẫn ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, chưa khai thác toàn diện tiềm năng biển; các giá trị phi vật chất và có khả năng tái tạo còn ít được chú trọng. Phương thức khai thác tại các vùng biển, đảo của ta vẫn trùng lặp, tốc độ phát triển ồ ạt nhưng thiếu quy hoạch tổng thể, khiến cảnh quan thiên nhiên nhiều nơi đang bị phá vỡ, chưa có hệ thống xử lý xả thải.

Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động dịch vụ biển, du lịch biển, đảo đến nay còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch, quản lý, khai thác thế mạnh của biển ở nhiều địa phương vẫn chưa thực sự được chú trọng. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tiềm năng, thế mạnh và vai trò của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội, cũng như công tác quốc phòng, an ninh; chưa chú trọng đến sự gắn kết giữa lợi ích chung với lợi ích thiết thực của cư dân trên các đảo, vùng ven biển.

Hệ thống luật pháp, chính sách về biển, đảo đến nay vẫn bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, hiệu lực thi hành yếu, tổ chức triển khai thiếu sự phối hợp liên ngành, công tác hỗ trợ pháp lý cho người dân địa phương ít được chú ý. Trong bối cảnh các quốc gia đang hướng ra biển, Biển Đông đang trở thành khu vực tiềm ẩn những tranh chấp phức tạp, nên việc hợp tác và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế ở khu vực này còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Một số giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển 

Để phát triển kinh tế biển đạt được mục tiêu đã đề ra, cùng với việc phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, việc phát triển kinh tế biển cần gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Cụ thể, thời gian tới cần chú trọng tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề chủ quyền, hoạt động điều hành quản lý, đầu tư, khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, đảo ở nước ta. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng xây dựng, nâng cao quy hoạch, từng bước triển khai các dự án, đề án phát triển kinh tế biển mang tầm chiến lược. Hình thành cơ chế phối hợp đầu tư, khai thác hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương; đồng thời củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với cư dân ven biển, để họ yên tâm bám biển, ổn định đời sống và nâng cao điều kiện, kỹ năng khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách khoa học, hiệu quả. Nghiên cứu và thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng, xây dựng một số thương cảng có tầm cỡ khu vực và quốc tế, hình thành một số tập đoàn, đơn vị kinh tế mạnh; đẩy mạnh khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và các ngành dịch vụ biển, đầu tư xây dựng một số khu kinh tế dựa vào lợi thế sẵn có và phù hợp với điều kiện từng vùng, miền. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các trung tâm hậu cần đủ năng lực phục vụ vận tải, khai thác, cứu hộ, phát triển dịch vụ. Đặc biệt, phát triển các khu kinh tế phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và trong mối liên hệ với kinh tế - xã hội chung của cả nước theo hướng bền vững; đảm bảo sử dụng một cách hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian; hướng tới hình thành khu chức năng nòng cốt, chủ đạo; gắn kết phát triển mạnh kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển bền vững các vùng biển.

Thứ tư, trong tầm nhìn mới về kinh tế biển, cùng với những lĩnh vực đã phát huy hiệu quả như dầu khí, vận tải biển, cần phát triển một số ngành, sản phẩm chủ lực, có lợi thế, như tăng cường khai thác năng lượng, khoáng sản, thủy sản, đẩy mạnh sản xuất muối biển. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển công nghiệp ven biển, trước hết là dầu mỏ, khí đốt, than, quặng kim loại, chuẩn bị điều kiện khai thác khoáng sản ở biển sâu, đẩy mạnh nuôi trồng hải sản, dịch vụ nghề cá, khai thác xa bờ, xây dựng đồng bộ cơ sở nghề cá ở các đảo như cảng cá, bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản...

Thứ năm, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển, trong đó có vấn đề đào tạo, huấn luyện thuyền viên, khai thác năng lượng, khoáng sản, thủy sản, phát triển du lịch… Tuy nhiên, tất cả các chương trình hợp tác quốc tế đều phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cũng như các chương trình bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Bởi đây là điều kiện tiên quyết và mang ý nghĩa sống còn để kinh tế biển, đảo phát triển bền vững./.


TS. Tơng Minh Tuấn

-------------------

(1) (2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb. CTQG, H, 2007, tr.72,76.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.121,122.

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất