Ngày 19/1, thành phố Hà Nội đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện
Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm
Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định thực hiện
chương trình này, bước đầu Hà Nội đã tạo bước chuyển lớn trong nhận thức, hành
động trong cán bộ và nhân dân.
Các địa phương hình thành nhiều phong
trào, mô hình hay và phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, góp phần giúp bộ
mặt nông thôn Hà Nội đổi thay từng ngày.
Hiện nay, diện tích, dân số của
Hà Nội phần lớn ở khu vực nông thôn với 401/577 xã đang thực hiện chương trình
xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để Thủ đô văn minh, trước hết phải nhanh chóng
đẩy nhanh phát triển khu vực nông thôn.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị
đã chỉ rõ những thuận lợi cần phát huy như Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn, vì
vậy khi triển khai có nhiều lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp
dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất, sản phẩm làm ra dễ
tiêu thụ, có nhiều doanh nghiệp lớn hỗ trợ...
Tuy nhiên, những khó khăn
bất cập còn lớn, sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư chưa lớn, sức cạnh tranh
sản phẩm chưa cao; chưa tạo ra được nhiều vùng chuyên canh sản xuất lúa, rau
màu, gia súc gia cầm chất lượng cao; các cơ sở giết mổ còn thiếu. Vấn đề lao
động việc làm chưa được giải quyết kịp thời, nhất là những vùng thu hồi đất nông
nghiệp nhường cho các dự án. Nhiều nơi chưa coi trọng phát huy nội lực, còn
trông chờ ỷ lại vốn đầu tư. Một bộ phận cán bộ còn tham ô, tham nhũng, không tạo
được uy tín, lòng tin để nhân dân tin tưởng nghe theo. Một số nơi triển khai
chương trình thiếu dân chủ, công bằng, công khai và cán bộ thiếu tinh thần trách
nhiệm.
Bí thư Thành ủy yêu cầu thời gian tới, thành phố tập trung tuyên
truyền sâu rộng trong quần chúng, đảng viên, nhất là nhấn mạnh vai trò chủ thể
của nhân dân, để nhân dân tham gia quản lý, giám sát. Đặc biệt, tránh quan liêu,
mệnh lệnh, áp đặt. Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến là cần thiết, nhưng phải chống
cho được lợi dụng dân chủ để có người lợi dụng quấy rối, phát biểu trái chủ
trương để bàn lùi, làm chậm tiến độ. Qua lấy phiếu tín nhiệm, phát hiện kịp thời
cán bộ có năng lực, phẩm chất để bố trí công việc hợp lý, đồng thời kiên quyết
xử lý và đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm.
Kế
hoạch thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Hà Nội cần đẩy mạnh công tác quy
hoạch, nhất là quy hoạch đất nông nghiệp, tạo sự ổn định để bà con yên tâm đầu
tư sản xuất lâu dài. Các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn thủ tục đầu tư, đất
xen kẹt. Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng và áp dụng
mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp sản xuất và chăm lo đời sống cho
người dân.
Hai năm qua, thành phố Hà Nội đã huy động từ nhiều nguồn ngân
sách nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp, nhà hảo tâm đầu tư trên 8.500 tỷ
đồng cho nông nghiệp nông thôn. Đến nay, có 161/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu
chí. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 17 triệu/người/năm; giải
quyết việc làm cho 135.800 lao động, sửa chữa gần 4.000 nhà hư hỏng cho hộ
nghèo...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Nguyễn Đăng Khoa, đánh giá thực hiện chương trình này, Hà Nội đã hoàn thành sớm công tác
quy hoach, ban hành nhiều chính sách đồng bộ, kịp thời và đã tìm được khâu đột
phá trong nông nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa đề nghị thời gian tới
Hà Nội cần chủ động nắm bắt tốt các nguồn lực đầu tư, nhất là trong thời kỳ kinh
tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp công nghiệp chuyển hướng sang đầu tư lĩnh vực
nông nghiệp, địa phương cần tạo các cơ chế thông thoáng để họ bắt tay hợp tác
với nông dân. Hà Nội cần có cơ chế động viên, khuyến khích, biểu dương kịp thời
những đơn vị, cá nhân, tạo động lực tốt trong thi đua lao động sản xuất./.
KK