Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 17/1/2013 18:56'(GMT+7)

Tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu thành công - hai điểm sáng của nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phóng viên báo chí xung quanh sự kiện này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

PV: Thưa Thứ trưởng, năm 2012 là một năm có rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và nước ta, ngành Công Thương đã bị ảnh hưởng như thế nào và vượt qua những khó khăn đó ra sao, đặc biệt là về xuất nhập khẩu?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Kinh tế thế giới năm 2012 biến động phức tạp, khó khăn thách thức nhiều hơn, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với dự báo đầu năm. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vốn đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn cũng chịu nhiều tác động tiêu cực: giá một số hàng hoá nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trong nước, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế... đã có tác động nhất định đến sản xuất hàng xuất khẩu, làm tăng giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ cũng như các chương trình đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

- Chủ động đề xuất với Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh chính sách thuế phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, đề nghị đẩy nhanh việc hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu, thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nhanh chóng tạo nguồn vốn quay vòng cho sản xuất kinh doanh; đề nghị xem xét điều chỉnh thuế suất hợp lý đối với các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu thuộc Danh mục trong nước sản xuất được để khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.

- Đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, trong đó ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, không bị hạn chế về thị trường xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu trong nước.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thương vụ trong công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài; cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn.

- Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) một cách hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ nhằm góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. PV: Tuy nhiên, điểm sáng trong hoạt động của ngành Công Thương năm 2012 là xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, thậm chí đã xuất siêu. Xin Thứ trưởng cho biết nhận định của mình về nội dung này?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đã nêu trên, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, sự tích cực, chủ động của các Bộ, ngành trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sự nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 114,63 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Mức tăng trưởng này cao hơn 5,3% so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng trong năm 2012. Nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt tốc độ tăng 6,4%, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng 4,2% và nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 24,7%.

Quy mô xuất khẩu được mở rộng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, góp phần cải thiện đáng kể cán cân thương mại. Năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm ta đạt cân bằng cán cân thương mại và còn xuất siêu ở mức 284 triệu USD.

Như vậy, trong năm 2012, tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu thành công đã trở thành hai điểm sáng của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và giảm bớt lượng hàng tồn kho. Kết quả này khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng xuất khẩu từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, sản xuất trong nước phát triển, góp phần thay thế hàng nhập khẩu, các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng trong nước đã sản xuất được phát huy tác dụng, việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công đã mang lại hiệu quả nhất định,... Đây là những tín hiệu tốt, tạo tiền đề, động lực để tiếp tục phát triển trong năm 2013. Tuy nhiên, đằng sau những con số này vẫn còn ẩn chứa những vấn đề, những bất cập của hoạt động xuất nhập khẩu cũng như của bản thân nền kinh tế, cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục và hoàn thiện để nâng cao hiệu quả của xuất nhập khẩu, đảm bảo sự bền vững của xuất nhập khẩu và của cả nền kinh tế.

PV: Năm 2013 được dự báo là nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đương đầu với nhiều thách thức của hội nhập quốc tế, đồng thời có những khó khăn nhất định về tài chính, biến động ngoại tệ, thị trường,... Vậy theo Thứ trưởng, triển vọng xuất khẩu năm 2013 sẽ như thế nào và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Công Thương sẽ phải tiếp tục có những biện pháp gì để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường, những rủi ro đối với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới còn tiềm ẩn khá lớn thì hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều phải đối mặt với những khó khăn nội tại. Khả năng phục hồi kinh tế Hoa Kỳ còn mong manh, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn tiếp diễn, các nền kinh tế lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm. Chính sách bảo hộ từ các nước nhập khẩu và cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác sẽ ngày càng gia tăng.

Trong nước, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nợ xấu và hàng tồn kho tiếp tục được cho là hai điểm nghẽn cần tập trung giải quyết của nền kinh tế trong năm 2013. Điều này tác động không nhỏ đến tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh đó, để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua, đòi hỏi sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn tại, khắc phục khó khăn, tận dụng tốt các thời cơ thuận lợi, khai thác tốt mọi nguồn lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.

Về phía Bộ Công Thương, sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được Quốc hội thông qua như sau:

Một là, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, dự báo đến năm 2030.

Hai là, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc phát triển xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn; chú trọng phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn.

Ba là, tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy nhanh tiến độ thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tạp chí Công nghiệp

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất