Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 28/6/2010 13:33'(GMT+7)

Phát triển kinh tế các tỉnh dải ven biển miền Trung

Lắp ráp ô-tô tại công ty TNHH Trường Hải - Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)

Lắp ráp ô-tô tại công ty TNHH Trường Hải - Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)

Hình thành chuỗi đô thị ven biển

Ðể thực hiện những mục tiêu theo quy hoạch và góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ của các tỉnh DVBMT là phát triển các đô thị trong vùng trở thành những trung tâm tiến ra biển. Trong đó, TP Ðà Nẵng được xây dựng thành trung tâm kinh tế biển của miền trung - Tây Nguyên và là một trong ba trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Nhận thức  được   tầm  quan  trọng  trong  khu  vực, những năm gần đây, Ðà Nẵng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với việc hình thành và phát triển các khu đô thị mới với quy mô từ 500 đến 1.000 ha. Công tác quy hoạch đã lan tỏa đến mọi khu vực của thành phố, từ những con hẻm chằng chịt thuộc khu trung tâm cũ,   đến những khu vực bao đời nay chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ðà Nẵng đã thật sự khởi sắc trở thành đô thị loại I cấp quốc gia, là trung tâm kinh tế và "đầu tàu" đưa khu vực miền trung phát triển mạnh hơn. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Sở Xây dựng Ðà Nẵng Thái Ngọc Chung cho biết: Dự án đường Nguyễn Văn Linh có thể được xem như điểm mốc đánh dấu bước chuyển này. Với chủ trương "đổi đất lấy hạ tầng" đường Nguyễn Văn Linh đã được thực hiện và nhanh chóng trở thành một hình mẫu để nhân rộng, áp dụng tại các dự án khác và thật sự trở thành động lực mới cho công cuộc chỉnh trang đô thị.

 Không chỉ có vậy, Ðà Nẵng còn tập trung phát triển hạ tầng giao thông đô thị, trong đó dự án cầu sông Hàn đã được thực hiện.  Cây cầu này có một ý nghĩa to lớn về mặt quy hoạch. Lần đầu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã vươn qua sông và theo đó ranh giới đô thị được mở rộng, các vùng đất mới có cơ hội phát triển để phát huy tiềm năng, lợi thế mà trước đó chưa khai thác được. Trưởng phòng Quản lý quy hoạch, Sở Xây dựng Ðà Nẵng Bùi Huy Trí khẳng định, thay đổi căn bản nhất là từ một thành phố quay lưng ra biển, Ðà Nẵng đã kiến thiết để "biển trở thành mặt tiền". Hơn 50% số khu dân cư đã được cải tạo, tạo điều kiện sống tốt hơn cho hơn 60 nghìn hộ dân trong thành phố. Những khu nhà lụp xụp phía bờ đông sông Hàn, hay dọc bờ biển Thuận Phước đã bị xóa với diện tích hơn ba nghìn ha, thay vào đó là những khu phố mới, những tuyến đường mới.

Là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung, nơi có nhiều cảnh quan đẹp, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, di sản văn hóa, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) được xác định là thành phố Festival, thành phố du lịch, trung tâm văn hóa, kinh tế vùng. Những năm gần đây, hệ thống đô thị ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ðến nay tỉnh đã có mười đô thị (một thành phố, chín thị trấn). Không gian đô thị đã được mở rộng, phân bố khá đều trên các vùng miền và dọc các trục phát triển bắc-nam, đông-tây. Hầu hết các đô thị đã có quy hoạch tổng thể, hơn hai phần ba diện tích được lập quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/2.000 và 1/5.000.

Ðể nông thôn gần hơn với thành thị, giảm áp lực cho đô thị, Thừa Thiên-Huế   rất quan tâm xây dựng liên kết đô thị - nông thôn, với việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho các đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thôn; phát triển các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy mô hợp lý nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Các điểm dân cư nông thôn được liên kết với đô thị bằng mạng lưới giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội vừa góp phần giảm tải khu đô thị, và điểm dân cư có điều kiện phát triển như một bộ phận của đô thị mở rộng. Một số khu đô thị, điểm dân cư mới An Cựu, Ðông Nam, Thủy An, Bắc Hương Sơn... từng bước được hình thành trong thời gian qua cùng với quá trình xây dựng chỉnh trang đô thị đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Mặc dù gặp không ít khó khăn do thiên tai, bão lụt xảy ra liên tiếp, nhưng Phú Yên, một tỉnh thuộc phía nam Trung Bộ vẫn giữ vững mức tăng trưởng GDP hằng năm từ 13 đến 13,5%. Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng khá, như nông-lâm-thủy sản tăng từ 4 đến 5,5%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 17 đến 18%; dịch vụ tăng từ 13 đến 14,5%. Ðể đạt được những thành quả trên, tỉnh Phú Yên xác định công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng giữ vai trò hết sức quan trọng, vừa là định hướng cho công tác đầu tư phát triển, vừa là công cụ quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng.  Tỉnh đã chỉ đạo  Sở Xây dựng tổ chức lập và thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng. Hầu hết đô thị ở các huyện đều có quy hoạch chung xây dựng và đã được điều chỉnh theo sự phát triển của đô thị, các khu trung tâm hành chính... Riêng với TP Tuy Hòa, để tạo sự đột phá mới trong quy hoạch và phát triển đô thị, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Xây dựng làm chủ đầu tư thuê công ty tư vấn nước ngoài lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố và các vùng phụ cận, đồng thời lập quy hoạch chi tiết khu đô thị mới nam TP Tuy Hòa. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch xây dựng, nhiều tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn về tìm kiếm cơ hội đầu tư ở địa phương. Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức cuối năm 2009, Phú Yên xếp thứ bảy trong số mười tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 16,6 nghìn tỷ đồng và 7,9 tỷ USD.

Khai thác thế mạnh du lịch

Nói đến miền trung là nói đến khu vực có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa. Cả nước có bốn di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận trong đó có ba di sản ở khu vực này. Bởi vậy đây cũng chính là cơ hội để DVBMT khai thác thế mạnh để phát triển du lịch. Trong những năm qua, ngành công nghiệp "không khói" này đã được hầu hết các địa phương "đánh thức". Bên cạnh "điểm tựa" là các di sản văn hóa thế giới như: Khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, cố đô Huế... miền trung còn được biết đến với những bãi biển đẹp như Lăng Cô, Sơn Trà, Non Nước... Ngoài ra còn có các điểm du lịch như: Vũng Rô (Phú Yên), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi)... đang nằm trong tầm ngắm đầu tư của các doanh nghiệp du lịch và kỳ vọng sẽ sớm trở thành điểm khám phá hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước.

Nhiều địa điểm ở miền trung đã ghi lại được những dấu ấn đậm nét của mình trong phát triển du lịch. Ðó là Huế - thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam với những di sản văn hóa, như: Nhã nhạc cung đình Huế, lễ tế Xã Tắc, lễ tế Ðàn Nam Giao, hội thi Tiến sĩ, lễ hội áo dài, huyền thoại Sông Hương... được  khôi phục, trở thành những sản phẩm văn hóa  đặc sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Mỗi năm Thừa Thiên-Huế thu hút hơn hai triệu du khách, và du lịch đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển... Song hành cùng thành phố Festival Huế, một "Hành trình di sản Quảng Nam" là sản phẩm văn hóa du lịch được xây dựng từ những giá trị văn hóa của di sản Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Trong quá trình phát triển, Hội An đã bước đầu xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, hấp dẫn khách du lịch. Mục tiêu của Hội An là đến năm 2015, sẽ thu hút từ 4 đến 5 triệu khách, tăng gấp bốn lần so với hiện nay.

Có mặt ở Hội An vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi cảm nhận rõ rằng, Hội An bây giờ không chỉ là phố cổ, mà đã và đang hoàn thiện là hình mẫu về một đô thị du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, sinh thái và bảo vệ môi trường. Hiện tỷ trọng du lịch, thương mại đang chiếm tới 65% GDP của  TP Hội An. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Giảng khẳng định: "Không có du lịch thì không biết Hội An còn nghèo đến bao giờ. Du lịch đã thổi vào Hội An một luồng sinh khí mới và biến Hội An thành một thành phố tuy nhỏ, nhưng đẹp và nên thơ". Du lịch đã tạo ra nguồn thu  cho nhiều người dân nơi đây, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ghé qua cửa hàng bán đồ lưu niệm 54B đường Nguyễn Thị Minh Khai, chị Ánh, chủ cửa hàng chia sẻ: Gia đình tôi mở cửa hàng từ khi Hội An bắt đầu làm du lịch. Trước đây chỉ làm nông nghiệp, vất vả mà thu nhập không đáng là bao. Giờ làm du lịch, thu nhập trung bình gấp 5 đến 6 lần. Vào những tháng cao điểm, khách du lịch đông, tính ra thu nhập gấp cả chục lần...

Phát triển công nghiệp, dịch vụ

Ðiểm nhấn trong phát triển kinh tế của DVBMT những năm qua phải kể đến khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi). Ðến nay, sau 14 năm hình thành và phát triển, Dung Quất đã và đang phát huy được thế mạnh trong thu hút đầu tư. Theo Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Xuân Thủy, tính đến tháng 3-2010, đã có 140 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 10,7 tỷ USD, trong đó có 112 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký tám tỷ USD, số vốn thực hiện hơn 4,3 tỷ USD. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại KKT Dung Quất đạt 6.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 120 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng (chiếm gần 69% tổng thu ngân sách của tỉnh), giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 12 nghìn lao động tại địa phương. Ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Doosan Vina là một tổ hợp công nghiệp nặng ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất có diện tích 110 ha, với các xưởng chế tạo nồi hơi, chế tạo thiết bị nâng hạ, thiết bị xử lý hóa chất, thiết bị khử mặn...  Công ty cũng đã hoàn thành việc xây dựng cảng nước sâu chuyên dụng giúp việc xuất hàng đến các nước thuận lợi và nhanh chóng. Hiện tại số lượng công nhân tại Doosan Vina là gần 2.000 người, với 80% số lao động là người Việt Nam, chủ yếu là người tại huyện Bình Sơn. Anh Hồ Ðông Anh, công nhân của công ty cho biết,  anh được hưởng lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng và rất hài lòng với công việc hiện tại.

Tầm nhìn xa để phát triển KKT Dung Quất sẽ  mở rộng từ 10.300 ha hiện nay lên 45.332 ha, đầu tư cụm cảng biển nước sâu thứ hai, hình thành đô thị Vạn Tường và các đô thị vệ tinh, quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp - nông thôn... theo hướng hiện đại, khoa học để tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp những đặc điểm, xu hướng phát triển kinh tế trong 20 đến 30 năm nữa. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Ðể trở thành động lực phát triển, hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung thì đòi hỏi số vốn triển khai thực tế tại KKT phải đạt từ 18 đến 20 tỷ USD vào năm 2020. Với số vốn thực hiện khoảng 4,3 tỷ USD hiện nay, KKT Dung Quất mới chỉ đi được hơn 20% chặng đường. 

Cùng với Dung Quất, KKTM Chu Lai cũng đã làm thay đổi diện mạo của Quảng Nam. Theo Ban quản lý KKTM Chu Lai, hiện KKTM Chu Lai có 60 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký  hơn 1,2 tỷ USD, trong đó có 35 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện gần 500 triệu USD, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 8.500 lao động. Riêng năm tháng đầu năm 2010, đã có tám dự án được cấp phép vào khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký 274 triệu USD, bằng 140% tổng vốn đầu tư được cấp phép cả năm 2009. Trong các dự án được cấp phép vào khu kinh tế, có năm dự án được triển khai xây dựng và ba dự án còn lại đã hoàn chỉnh các thủ tục về thiết kế cơ sở, trong đó có một số dự án lớn như khu cảng và hậu cần cảng Tam Hiệp, các Nhà máy ô-tô khách Trường Hải, chế biến gỗ Minh Dương-Chu Lai... Với những bước phát triển của KKTM Chu Lai, diện mạo, cơ cấu kinh tế, đời sống người dân khu vực đông Quảng Nam đã được thay đổi một cách căn bản. KKTM Chu Lai đã và đang là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và là nhân tố quan trọng của quá trình CNH, HÐH ở Quảng Nam.

Có thể thấy, miền Trung đang tăng tốc trong quá trình đô thị hóa, phát triển KKT, KCN, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và của vùng theo hướng CNH, HÐH, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thực tế trên đã minh chứng cho một bước chuyển mình mạnh mẽ của DVBMT trong những năm gần đây, với sự hình thành và phát triển 21 KCN, khu chế xuất đã và đang triển khai xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3.510 ha. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, không phải tất cả đều mang một "mầu hồng" mà đằng sau đó, cũng đã và đang có nhiều bất cập,  khó khăn, thách thức...

Theo Nhân dân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất