Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 26/6/2010 17:49'(GMT+7)

456,5 triệu USD giúp Việt Nam chuyển đổi thành nước thu nhập trung bình

Một khoản tín dụng trị giá 26,5 triệu USD được bổ sung cho Dự án Tăng cường Hiệu quả Hệ thống điện. Ảnh minh họa/internet.

Một khoản tín dụng trị giá 26,5 triệu USD được bổ sung cho Dự án Tăng cường Hiệu quả Hệ thống điện. Ảnh minh họa/internet.

Các khoản tín dụng này được cung cấp bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – là tổ chức của WB hỗ trợ các nước nghèo nhất trên thế giới. Quỹ IDA nhằm giảm nghèo thông qua việc cấp tín dụng không lãi và tài trợ không hoàn lại cho các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm bất bình đẳng và cải thiện đời sống người dân.

Việt Nam là một nước đang tiến dần tới vị trí là nước có thu nhập trung bình và cần lực lượng lao động có tay nghề, có nền tảng kiến thức tốt để đưa đất nước đến vị thế tốt hơn khi phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu. Tạo ra một hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam có tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường, có chất lượng cao là cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu chính của một trong bốn khoản tín dụng được phê duyệt: đó là Dự án Các Trường Đại học kiểu mới (180 triệu USD).

Dự án nhằm thiết lập và thí điểm một khuôn khổ chính sách mới cho việc quản trị, tài chính, đảm bảo chất lượng của trường đại học mô hình mới. Điều này sẽ giúp Việt Nam phát triển một mô hình hệ thống giáo dục đại học có tính sáng tạo, chất lượng cao cũng như hướng tới phát triển các kỹ năng đáp ứng thị trường cho thanh niên khi bước vào thị trường lao động.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc Gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Phát triển con người được ghi nhận là một trong ba lĩnh vực then chốt Việt Nam cần tập trung trong chiến lược 10 năm tới. Hệ thống giáo dục đại học hiện đại cần đóng góp trực tiếp vào trụ cột này thông qua nâng cao chất lượng giáo dục đại học để sinh viên tốt nghiệp sẽ có những kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.

Khoản tín dụng tiếp theo được Ban giám đốc WB thông qua là Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo lần thứ 9 (150 triệu USD) và là khoản thứ 4 trong chu trình 5 năm nhằm hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội của Việt Nam. Khoản tín dụng này nhằm tiếp tục những cải cách cần thiết để Việt Nam chuyển đổi từ một nền kinh tế quá độ lên một nước có thu nhập trung bình. Khoản tín dụng sẽ hỗ trợ cải cách trong các lĩnh vực: hội nhập toàn cầu; nhà nước; tài chính, phát triển khu vực tư nhân; cơ sở hạ tầng; giáo dục; y tế; bảo trợ xã hội; giới; đất và rừng; nước và vệ sinh; môi trường; quá trình lập kế hoạch; quản lý tài chính công; phát triển pháp luật; cải cách quản lý công và chống tham nhũng.

Một khoản tín dụng 100 triệu USD sẽ được dùng để hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực lập kế hoạch và chuẩn bị dự án đầu tư công hiệu quả hơn, đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Một quỹ chuẩn bị dự án cũng được thành lập và sử dụng để lập kế hoạch khả thi, thiết kế chi tiết và mua sắm cho các dự án ở tất cả các lĩnh vực phát triển.

Cuối cùng, một khoản tín dụng trị giá 26,5 triệu USD được bổ sung cho Dự án Tăng cường Hiệu quả Hệ thống điện, Cổ phần hóa và Năng lượng Tái tạo. Dự án này đã tăng cường hiệu quả hệ thống truyền tải điện và điện khí hóa nông thôn và góp phần cải cách ngành điện. Khoản vốn bổ sung này cũng được dùng để trang trải cho một số chi phí phát sinh và nhân rộng ảnh hưởng của dự án đối với những cải cách trong ngành.

Với sự kiện này, tổng số vốn Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay trong năm tài chính này lên đến con số kỷ lục là 2,13 tỷ USD.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất