Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 9/5/2016 15:40'(GMT+7)

“Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”.

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”.

Hội thảo thu hút các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế của Việt Nam và Lào tham gia với hơn 100 bài tham luận gửi tới hội thảo và ý kiến phát biểu tại hội thảo. Các tác giả tập trung luận giải, phân tích nhằm khẳng định việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và Lào là đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế hai nước. Đồng thời khẳng định những thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới và chia sẻ những vấn đề vướng mắc cần tiếp tục khắc phục, tháo gỡ ở mỗi nước để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước trong điều kiện mở cửa, hội nhập. 

Đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế được hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào lựa chọn, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật vững chắc cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Sau 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng và nhân dân hai nước đã giành được những thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa quyết định trên nhiều lĩnh vực, dần đưa đất nước tiếp cận thị trường khu vực và thế giới.

Đi sâu phân tích về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội ở Việt Nam, TS Trần Văn Khánh, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM, cho rằng: Để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần tiếp tục soát xét kỹ tất cả các mối liên hệ của kinh tế thị trường với mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức xã hội của nước ta hiện nay. Đặc biệt là về con người, bởi mọi đường lối, phương hướng, mục tiêu dù có đúng, hay, đẹp đến đâu chăng nữa mà không có con người với các phẩm chất tương ứng thì sẽ không bao giờ có kết quả như mong muốn. 

Nêu bật những ưu thế cũng như những khuyết điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TS. Nguyễn Mạnh Bình, Trưởng khoa Luật – Học viện Cán bộ TPHCM đề xuất thực hiện các giải pháp: Cải cách hoạt động của Chính phủ, chuyển đổi nhận thức từ Chính phủ điều hành sang Chính phủ kiến tạo phát triển. Xây dựng thể chế tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cạnh tranh và phát triển. Tái cấu trúc nền kinh tế đảm bảo hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Hoàn thiện chính sách xã hội bảo đảm tính công bằng, điều tiết và tạo điều kiện cho những người nghèo vươn lên làm giàu.

Nhấn mạnh đến những bài học kinh nghiệm mà Lào rút ra trong thực tiễn, Thạc sĩ Viengphone Keokhounsy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) cho rằng, để tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới, cần tiếp tục giữ vững chủ trương phát triển kinh tế là trọng tâm, giữ vững chủ trương kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế là yếu tố sức mạnh của nền kinh tế quốc gia. Phải đảm bảo thị trường giữ được vai trò huy động và phân phối các tài nguyên nhằm phát triển mạnh mẽ sản xuất. Giữ vững lập trường tự lực cánh sinh để phát triển đất nước. Thực hiện chính sách phát triển bền vững. Chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Mở rộng quan hệ quốc tế và chủ động hội nhập, đồng thời phải nhạy bén và có giải pháp kịp thời trước sự diễn biến của tình hình thế giới có thể tác động đến nền kinh tế quốc gia.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng đã tiếp tục cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào hoàn thiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới./.

Trần Thụy Du

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất