Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/4/2017 16:21'(GMT+7)

Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới

Ngày 13/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.

Trong giai đoạn 2006, khu vực kinh tế tư nhấn đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80%  tổng mực lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng, không thể thiếu của nền kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học, đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã khẳng định chủ trương: Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng như vậy nhưng còn nhiều hạn chế. Bài toán đặt ra là làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn? Có thể nói, Chính phủ đã và đang có những cam kết không chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách mà đang từng bước hiện thực hóa bằng các chương trình, hành động tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo khoa học hôm nay muốn trực tiếp lắng nghe những hiến kế từ phía các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân về vấn đề này; tổng rà soát xem còn vấn đề gì cần kiến nghị, chắt lọc những ý kiến mới, quan trọng báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp phần đánh giá tình hình phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết những cản trở, rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. 

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương, kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Năm 2015, kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP, trong đó, các hộ cá thể đóng góp 31,33%, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp 7,88%. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và siêu nhỏ (khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tư nhân), trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng  lực hội nhập quốc tế còn hạn chế.

Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý. Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chỉ có hơn 10% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp còn có xu hướng thoái lui khỏi dịch vụ công nghiệp. Chỉ còn 1% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm xuống. Giai đoạn 2003 - 2010, tăng trưởng 11,93%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn 7,54%. Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng cao. Bình quân giai đoạn 2007 - 2015 là  45 50% số doanh nghiệp mới thành lập. Năm 2016 có 73.130 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và 20.345 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân chưa ổn định, bền vững. Tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, phức tạp…

Qua nghiên cứu cho thấy, những hiện tượng tiêu cực, hạn chế, yếu kém của kinh tế tư nhân vừa qua, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Luật pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân chưa đồng bộ, nhiều bất cập. Về phía kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, trình độ quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế: thiếu chiến lược kinh doanh ổn định, phát triển lâu dài…

PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận định, mặc dù đã có những phát triển không ngừng nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở VIệt Nam chưa phát huy được hết tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nguyên chính dẫn đến tình trạng đó là do khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản về tư duy lý luận lẫn khung khổ pháp luật, điều tiết, cơ chế chính sách và thực thi cơ chế chính sách trên thực tế cũng như môi trường kinh doanh và năng lực nội tại của chính khu vực này.

Chính vì vậy, để kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo ra nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Đây chính là yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đề xuất của bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần giảm thiểu sự lấn sân của các doanh nghiệp nhà nước đối với khu vực tư nhân đồng thời có chính sách tăng cường phát triển khối doanh nghiệp tư nhân theo cả chiều dọc và chiều ngang để vừa giải quyết những cản trở chung đối với nền kinh tế vừa tạo nên những đột phát trong phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đại diện một số Bộ ngành còn trình bày thêm nhiều quan điểm, đề xuất về xây dựng thể chế để phát triển nền kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân đã trực tiếp bày tỏ ý kiến góp ý về nhiều vấn đề trong môi trường đầu tư kinh doanh, về cơ chế chính sách trên nhiều lĩnh vực và việc thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ và công chức các cấp, của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế. 

Bảo Châu

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất