Đó là một trong những nội dung được trao đổi trong Hội thảo “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông – Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam” do Bộ GD và ĐT Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD và Trẻ em Đan Mạch tổ chức ngày 10-12, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Việt Nam, Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước, chương trình giáo dục Việt Nam bộc lộ nhiều bất cập về cách tiếp cận mục tiêu, phát triển chương trình, xác định mục tiêu, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục. Với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, có đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, do đó trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện nội dung đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.
Hội thảo tập trung trao đổi một số vấn đề, như: Mục tiêu, chuẩn đầu ra cho từng cấp học; năng lực và cách xác định năng lực chung của học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học, xác định các lĩnh vực môn học và thời lượng cho mỗi lĩnh vực môn học; phương án thực hiện dạy học tích hợp và dạy học phân hóa; phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh; nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập; hình thức thử nghiệm, tiêu chí đánh giá hiệu quả của chương trình SGK; đào tạo bồi dưỡng quản lý giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình theo định hướng phát triển năng lực học sinh…
Ông Joem Skovsgaard, cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Bộ GD và Trẻ em Đan Mạch đánh giá hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thể hiện muốn trang bị cho thế hệ trẻ những năng lực mà họ cần để có thể thành công trong nền kinh tế tri thức.
Theo ông Joem Skovsgaard, để hiện thực hóa việc đổi mới, các nhà nghiên cứu giáo dục cần xây dựng khung chương trình có chất lượng cao và năng động, đưa ra một cách rõ ràng những mong đợi của xã hội sẽ được đáp ứng thế nào thông qua sự đầu tư giáo dục. Đó là khung chương trình chính xác, súc tích nhưng cũng phải tạo điều kiện cho giáo viên cơ hội hoàn thiện chuyên môn của bản thân. Chương trình tuy có tham vọng vào thành tích của học sinh nhưng cũng phải thực tế.
Hội thảo sẽ làm việc trong 3 ngày (từ 10 đến 12-12) với sự tham gia thảo luận của các đại biểu là những nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, những học giả đến từ Đan Mạch, Đức và đại diện một số trường đại học trong cả nước, tập trung vào 4 nhóm: Toán, Khoa học xã hội, Ngữ văn và Giáo dục nghệ thuật.
THU HÀ/QĐND