Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 5/12/2012 10:31'(GMT+7)

Đưa giáo dục giới tính thành nội dung bắt buộc trong trường học

Bà Katherine Muller-Marin cho rằng giáo dục sức khỏe sinh sản là một trong những trụ cột chính làm cho xã hội có sức chống chọi và đủ năng lực để xử lý những thách thức.

Bà Katherine Muller-Marin cho rằng giáo dục sức khỏe sinh sản là một trong những trụ cột chính làm cho xã hội có sức chống chọi và đủ năng lực để xử lý những thách thức.

Nhằm đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể, ngày 4-12, Bộ GD và ĐT phối hợp cùng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên.

Tham dự hội thảo có PGS. TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT; bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam; các chuyên gia tư vấn quốc tế, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện 7 Sở GD và ĐT khu vực phía Bắc và học sinh, sinh viên một số trường trên địa bàn Hà Nội.

Giới trẻ biết gì, muốn biết gì?

Trung bình, trẻ VTN bắt đầu các mối quan hệ tình cảm khoảng 18 tuổi. Tuy nhiên, các em có thể bắt đầu từ lúc 10 tuổi, thậm chí sớm hơn. Hầu như không có sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới về tình trạng mối quan hệ và độ tuổi yêu lần đầu.

Ông Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cho biết: Qua nghiên cứu 40 học sinh nam và 40 học sinh nữ, độ tuổi từ 16 đến 18 (qua thảo luận) và 762 VTN, thanh niên độ tuổi từ 14 đến 24 chưa lập gia đình (qua phiếu điều tra), có tới 69,5% người trả lời đã từng có quan hệ; 30,5% đang có quan hệ và 8,6% đang ở giai đoạn hẹn hò. Số lượng người yêu trung bình của nam là 3 và nữ là 1,9.

Tuy nhiên, để chuẩn bị đối phó với các nguy cơ khi tham gia hẹn hò, rất ít bạn mang theo bao cao su (BCS), không có bạn trai-bạn gái nào cho biết có được những kiến thức về phòng chống nguy cơ từ cha mẹ và nhà trường.

Nói về những nguy cơ từ QHTD, 90% bạn trẻ tham gia điều tra cho rằng phụ nữ có thể mang thai trong lần đầu QHTD. Đây là sự cải tiến đáng kể về quan niệm khi trước đây họ phủ nhận điều này. Nhưng những định kiến, cũng như nỗi sợ kỳ thị từ xã hội vẫn rất cao, khiến trong 8,4% bạn đã từng mang thai ngoài ý muốn thì chỉ có 1 trường hợp sinh con, các trường hợp khác đi nạo phá thai.

Hầu hết bạn trẻ đều biết lợi ích của việc sử dụng BCS và có thể nhận ra gói BCS, tuy nhiên đều cảm thấy bối rối khi chạm vào một chiếc BCS đã mở. Họ cho biết BCS không phổ biến và ít được nói ở trường. Không một bạn nam, bạn nữ nào trong 4 trường tham gia điều tra có thể mô tả một cách chi tiết cách thức sử dụng BCS. Không một ai đã từng thực hành sử dụng BCS trong thực tế.

Về viên thuốc tránh thai, rất ít bạn trẻ có kiến thức, chủ yếu là tự hướng dẫn nhau và đa số nhầm lẫn giữa an toàn tình dục (tránh thai) với nhiễm HIV/AIDS.

Các bạn trẻ đều có nhu cầu trao đổi về tình yêu, tình dục và an toàn tình dục, tuy vậy, họ chỉ nói với cha mẹ khi có người yêu, còn đa số (79,8%) sẽ không nói với cha mẹ khi các em có QHTD bởi các em cho rằng những cuộc trao đổi thường mang tính răn đe, nhắc nhở chứ không đi sâu vào vấn đề. Nhiều bạn cho biết, nếu cha mẹ bắt gặp họ đang xem các chương trình về giáo dục tình dục sẽ bị đánh giá là “chơi bời” và không được xem một mình…

Các bạn trẻ cho biết, họ chủ yếu trao đổi với bạn bè và cảm thấy khó khăn trong tìm kiếm thông tin về tình dục, gặp nhiều trở ngại khi muốn nói chuyện với cha mẹ hoặc giáo viên. Các ý kiến cho rằng họ mong muốn học thêm về tình dục và cần được thực hiện sớm từ cấp tiểu học, trong đó chú trọng vào những vấn đề liên quan đến tình dục, tìm hiểu về tránh thai, kỹ năng từ chối (tình dục) và những lây truyền qua đường tình dục.

Hội thảo thu hút sự tham gia của học sinh, sinh viên

Cần có sự giao tiếp giữa VTN với phụ huynh và nhà trường

Ngành giáo dục cần đưa giáo dục tình dục thành nội dung bắt buộc, vấn đề giới cần được lồng ghép trong các nội dung cũng như cách thức tổ chức giáo dục; giáo dục tình dục cần quan tâm xây dựng kỹ năng, không dừng lại ở trang bị kiến thức và cần giáo dục liên tục, có sự tham gia của cha mẹ. Về phía gia đình, cha mẹ cần chủ động nói chuyện cở mở về tình dục với nội dung phù hợp với độ tuổi của con, có thái độ không đánh giá với tình yêu, tình dục của giới trẻ…, ông Phạm Vũ Thiên đề nghị.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Chuyên viên Vụ Công tác Học sinh-sinh viên, Bộ GD và ĐT chia sẻ: Mô hình triển lãm của Thái Lan về giáo dục sức khỏe giới tính, giới và phòng, chống HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đã cung cấp cho giới trẻ những hiểu biết về tình dục lành mạnh. Công khai thúc đẩy việc cung cấp kiến thức và sự hiểu biết về tình dục lành mạnh ở cấp quốc gia; phát triển và thúc đẩy quá trình dạy và học về tình dục an toàn trong giáo dục.

Theo bà Katherine Muller-Marin, con người từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều phát triển tính dục của mình hằng ngày, nhưng đây vẫn là vấn đề bị mọi người kiêng kỵ, ít trao đổi công khai cũng như ít có sự trao đổi với cha mẹ, trong trường học. Giới trẻ thường hỏi những người không đủ kiến thức, đủ tư cách để cho những lời khuyên đúng đắn. Do vậy, Bộ GD và ĐT phải là người tham gia nếu muốn tạo ra sự khác biệt. Đây là bước tiến giúp nhiều thanh niên tiếp cận những thông tin một cách thỏa đáng, chính xác.

Hội nghị cho rằng, giáo dục giới tính phải được đưa thành nội dung bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, việc giảng dạy nội dung này cần được bắt đầu trước khi học sinh bước vào giai đoạn dậy thì. Quan trọng hơn, giáo dục giới tính không được mang tính đe dọa nhằm mục đích chấm dứt mối quan hệ tình cảm. Nội dung giáo dục phải phù hợp với mục tiêu chung của VTN trong việc tìm hiểu sức khỏe giới tính, đó là sự an toàn.

Thứ trưởng Trần Quang Quý cho rằng, để tăng cường vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh trong nhà trường, cần nâng cao chất lượng dạy và học, hoạt động ngoại khoá về giáo dục giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống HIV/AIDS; chống kỳ thị và phân biệt đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đảm bảo an toàn, thân thiện trong các dịch vụ y tế trong các cơ sở giáo dục.

Bộ GD và ĐT đã dự thảo Kế hoạch Hành động phòng, chống HIV/AIDS của ngành GD và ĐT giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo về phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho học sinh, sinh viên; đa dạng hóa các kênh đào tạo và truyền thông. Đồng thời chú trọng nhiều đến mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Bộ GD và ĐT cũng đã dự thảo dự án triển lãm Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục để phòng, chống HIV/AIDS, áp dụng theo mô hình triển lãm Câu chuyện tình yêu của Thái Lan.

 THU HÀ-QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất