Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/6/2016 10:24'(GMT+7)

Phát triển nền kinh tế xanh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức

* Nguồn lực tài chính hạn hẹp


Theo tính toán của các nhà nghiên cứu kinh tế xanh, giai đoạn 2011-2050 các khoản đầu tư trên thế giới sẽ tăng lên do tăng trưởng kinh tế, đến năm 2050 đạt 3,9 nghìn tỷ USD. Khi đó nhiều nước sẽ chuyển dịch các hoạt động đầu tư “nâu” sang các hoạt động đầu tư “xanh”. Xét về mô hình kinh tế vĩ mô trong dài hạn, với mức độ đầu tư này sẽ có một sự cải thiện đáng kể theo hướng kinh tế xanh và sẽ làm tăng tổng lượng của cải toàn cầu. Đồng thời đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển một nền kinh tế xanh của Việt Nam. Tuy vậy, để thực hiện được điều này rất cần những cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực tài chính đầu tư một cách hiệu cho tăng trưởng xanh.


Phân tích về những khó khăn, thách thức khi tiến hành chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính, nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển “kinh tế xanh” phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, đây là thách thức không nhỏ trong lựa chọn chính sách thực hiện kế hoạch hành động xanh. Về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “xây dựng nền kinh xanh”, mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới nền kinh tế xanh thực hiện tăng trưởng xanh, theo như tính toán đầu tư trở lại phục hồi tự nhiên cần 1- 3% GDP.


Hiện nhiều ngành thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn, gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, như ngành khai thác khoáng sản, sản xuất năng năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, sản xuất giấy, công nghiệp hóa chất, đóng tàu, sửa chữa tàu thủy…Trong khi đó ít chú ý đến phát triển các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học cao. Việt Nam cũng còn thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả về môi trường, ngành kinh tế thân thiện với môi trường như công nghệ, dịch vụ bảo vệ môi trường; công nghiệp tái chế; sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng sạch; hàng hóa, sản phẩm thân thiện với môi trường; nông nghiệp hữu cơ.


Tuy đã có một số lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường được chú ý phát triển nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp nên vẫn chưa hình thành được những ngành kinh tế đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay. Theo ước tính, nếu GDP của nước ta trong 10 năm tới tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường, thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần so với hiện nay, đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.


Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất nhận xét: Trình độ phát triển chung của nền kinh tế nước ta còn thấp, do công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu phổ biến, năng suất lao động kém, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp. Công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển, trình độ phát triển khoa học công nghệ thấp. Đặc biệt là hầu hết các doanh nghiệp tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, chưa mạnh dạn “đầu tư mạo hiểm” để tạo ra bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, trong khi các công nghệ mới thường yêu cầu chi phí lớn hơn so với công nghệ bình thường.


Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn chia cắt chưa phù hợp với sự phát triển trong liên kết hội nhập, cần có những chỉnh sửa rất mạnh mẽ. Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng, một phần bị hủy hoại chính do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp. Trong khi đó lại kém trong quản lý tài nguyên.


Tại Diễn đàn Đổi mới công nghệ phát triển kinh tế xanh bền vững do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, đại diện các “Doanh nghiệp Tiên phong” trên lĩnh vực này đã thống nhất đánh giá về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới; đồng thời chia sẻ những thành tựu mà doanh nghiệp đã đạt được, cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình tìm kiếm, đổi mới công nghệ. Nhưng để mở rộng và phát huy hiệu quả của các công trình nghiên cứu, đổi mới công nghệ vào thực tế, các doanh nghiệp hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, cơ chế chính sách…rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương. Do đó số doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam “chưa có đất” để phát triển.


* Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ



Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Tại Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1393 ngày 25/9/2012, hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động. Nếu xét đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh, Việt Nam đã tiến hành đầu tư dưới nhiều hình thức và thành phần kinh tế khác nhau. Chẳng hạn như đối với đầu tư từ ngân sách Nhà nước có Chương tình 327 trồng lại rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, kế tiếp là Chương trình 5 triệu ha rừng. Trong lĩnh vực môi trường mức chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm là 1% tổng chi ngân sách.... Nguồn tài chính đầu tư nước ngoài dưới các hình thức khác nhau cũng liên tục tăng, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đối với biến đổi khí hậu, không chỉ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam còn nhận những nguồn lực tài chính dành cho tăng trưởng xanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần không nhỏ cho mục tiêu phát triển bền vững.


Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403 ngày 20/3/2014, một trong những mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến là nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để phát triển đất nước bền vững, công nghệ xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững; giảm sử dụng năng lượng hóa thạch.


Theo ông Phạm Hồng Quất, việc đổi mới công nghệ yêu cầu chi phí lớn, nên Nhà nước đã có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới kinh tế xanh như hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; hỗ trợ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; hỗ trợ từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh vẫn là vấn đề thách thức đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Chẳng hạn như chưa có quy định nào có tính ưu đãi đối với nền kinh tế xanh.


Mặt khác, để có nguồn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh cần có một cơ chế, chính sách hợp lý dựa trên cơ sở cơ chế, chính sách tài chính hiện hành của Việt Nam có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt cần bám vào nhiệm vụ chiến lược đã đề ra trong Quyết định 1393 của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, cần làm rõ thế nào là “tiêu chí tăng trưởng xanh” cho các ngành và các lĩnh vực để ưu tiên huy động nguồn lực tài chính đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư tài chính nên hướng vào xã hội, phát huy tiềm lực tài chính doanh nghiệp, trong dân và nước ngoài sẽ hiệu quả và phù hợp hơn với xu thế phát triển hướng tới nền kinh tế xanh. Muốn vậy, cần rà soát và tạo lập thị trường tốt hơn cho khuyến khích tài chính đầu tư vào tăng trưởng xanh, hình thành thị trường vốn tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh trong tương lai. Đẩy mạnh cơ chế tăng nguồn thu lấy từ những nguồn vốn của tự nhiên thông qua hệ thống thuế, phí, phạt vi phạm...Nên phải đánh giá, rà soát lại các cơ chế chính sách, hệ thống luật pháp liên quan đến tăng nguồn thu hiện hành, từ đó có những bổ sung phù hợp. Hiện Việt Nam đã có thuế môi trường, thuế tài nguyên, Nghị định thu phí nước thải, Nghị định chi trả dịch vụ môi trường, Nghị định bồi hoàn thiệt hại môi trường...nhưng còn nhiều bất cập, nhất là thuế môi trường và thuế tài nguyên cần phải chỉnh sửa, bổ sung.


Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để huy động nguồn lực được hiệu quả cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính Trung ương và địa phương đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát huy nội lực và thế mạnh tài chính của địa phương để đầu tư cho tăng trưởng xanh. Có cơ chế khuyến khích và hình thức khen thưởng rõ ràng đối với những địa phương thực hiện tốt đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, thông qua chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh…Như vậy, cần phải có những cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính hiệu quả đầu tư cho tăng trưởng xanh không chỉ cho cả nước mà còn có cơ chế đặc thù của vùng để liên kết các đô thị phát triển theo hướng kinh tế xanh.


Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh: Nắm bắt cơ hội đổi mới công nghệ hướng đến nền kinh tế xanh, doanh nghiệp cần phải thấu tỏ được các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đặc biệt là sắp tới Việt Nam tham gia Hiệp định tự do với châu Âu và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương-TPP, doanh nghiệp nào sớm đổi mới công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn cao của thế giới, doanh nghiệp đó sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu./.


Văn Hào/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất