Ngày 17/12, Đại sứ quán Vương quốc Saudi Arabia tại Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng Arab (18/12).
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Đại sứ quán Saudi Arabia, Tham tán Hamoud Naif S. Almutairi cho biết, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng Arab năm 2023 trùng với lễ kỷ niệm 50 năm Ngày tiếng Arab được phê chuẩn là một trong những ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc, với chủ đề là "Tiếng Arab - ngôn ngữ của thơ ca và nghệ thuật".
Theo ông Hamoud Naif S. Almutairi, ngôn ngữ Arab là cầu nối kết nối các dân tộc, công cụ biểu đạt phản ánh sự giao thoa văn hóa. Với chiều sâu và sự phong phú của từ vựng, nguồn gốc và phương thức biểu đạt, ngôn ngữ này còn là phương tiện kết nối các nền văn minh, trao đổi văn hóa, chuyển giao khoa học, tri thức và văn học qua các thời đại. Bên cạnh đó, ngôn ngữ Arab đã được sử dụng từ thời điểm truyền bá Đạo Hồi, tiếp thu nhiều nền văn minh như Ba Tư, Hy Lạp và Ấn Độ và đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Ngôn ngữ Arab đã truyền tải kiến thức khoa học và tri thức nhân loại sang các ngôn ngữ khác qua đó đóng góp nhiều giá trị cho nền văn minh và văn hóa thời Trung cổ.
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ Arab trong việc hình thành bản sắc văn hóa, thống nhất các dân tộc và lưu truyền di sản tri thức và lịch sử của nền văn minh nhân loại, ông Hamoud Naif S. Almutairi cho biết, Saudi Arabia rất coi trọng việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ Arab; có nhiều đóng góp quan trọng để tăng cường vị thế của tiếng Arab như nỗ lực để tiếng Arab được phê chuẩn là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc, đồng thời được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chọn là một trong những ngôn ngữ làm việc chính thức trong các phiên họp của Ban điều hành.
Sự quan tâm của Vương quốc Saudi Arabia đối với ngôn ngữ Arab còn được thể hiện qua nhiều sáng kiến, thành lập các trường học, viện nghiên cứu và trường đại học chuyên ngành ngôn ngữ Arab, tiêu biểu là quyết định thành lập Học viện Quốc tế Ngôn ngữ Arab King Salman vào tháng 9/2020, góp phần nâng cao vị thế của ngôn ngữ Arab trong khu vực và toàn cầu, đồng thời nêu bật giá trị của ngôn ngữ này, thể hiện chiều sâu ngôn ngữ của văn hóa Arab và Hồi giáo.
Trong khuôn khổ những nỗ lực nêu trên, theo ông Hamoud Naif S. Almutairi, Đại sứ quán Vương quốc Saudi Arabia tại Việt Nam rất coi trọng việc phát triển và lan tỏa ngôn ngữ Arab thông qua việc hợp tác với Đại sứ quán các nước Arab và các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện đang giảng dạy tiếng Arab. Theo đó, Đại sứ quán đã hỗ trợ dự án Biên soạn Từ điển Arab - Việt đầu tiên đễ tạo điều kiện tốt nhất có thể cho hoạt động dạy và học tiếng Arab không chỉ đối với sinh viên, giáo viên mà còn cả những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại các nước Arab.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo hệ cử nhân chuyên ngành ngôn ngữ Arab, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ngôn ngữ Arab trong suốt 27 năm qua. Đặc biệt trong thời gian qua, nhà trường đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho dự án Biên soạn cuốn Từ điển Arab - Việt nhằm phục vụ công tác giảng dạy tiếng Arab tại trường cũng như hỗ trợ những người có nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận ngôn ngữ này.