Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (năm 1993) khẳng định, GD&ĐT là
quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đại
hội XI của Đảng đã đề ra 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về
nguồn nhân lực. Văn kiện Đại hội XI xác định: “Nguồn nhân lực chất lượng
cao là bộ phận ưu tú nhất của nguồn nhân lực đất nước, bao gồm những
người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; có trình độ
học vấn, chuyên môn cao; có sức khỏe tốt; luôn đi đầu trong lao động,
sáng tạo khoa học, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc”.
Vấn đề GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà
nước và của toàn dân ta một lần nữa được khẳng định tại Nghị quyết số
29-NQ/TW khóa XI của Đảng. Quan điểm này được Đại hội XII kế thừa và Đại
hội XIII có những bổ sung rất đáng chú ý, nhất là nội dung phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao. Văn kiện Đại hội XIII xác định: Phát
triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên
phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực
then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện,
cơ bản về chất lượng GD&ĐT gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi
ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển
mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, ngành giáo dục đã triển khai đồng
bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, trong đó đẩy mạnh chất
lượng và năng lực của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), tiếp
cận và đạt chuẩn quốc tế. Năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đã tham mưu
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai
đoạn 2019-2025; Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản
lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT
giai đoạn 2019-2030.
Những năm qua, việc xây dựng mô hình trường đại học xuất sắc, phát
triển một số chương trình đào tạo theo mô hình chất lượng cao, thúc đẩy
hợp tác đại học-doanh nghiệp, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội, tạo
các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, có tác động lớn và tính lan
tỏa cao, phát huy nội lực của toàn hệ thống. Một số chương trình đào tạo
theo đề án như chương trình tiên tiến, trường đại học trọng điểm,
chương trình đào tạo trình độ quốc tế trên cơ sở hợp tác giữa các cơ sở
GDĐH ở Việt Nam với các trường đại học trên thế giới đã đạt được nhiều
thành tựu trên các phương diện như: Chương trình đào tạo, giáo trình,
tài liệu học tập; cơ sở vật chất, điều kiện học tập của sinh viên; phát
triển đội ngũ giảng viên; quản lý đào tạo; hỗ trợ của cơ quan sử dụng
lao động đối với các chương trình tiên tiến.
Các cơ sở GDĐH chủ động, tích cực mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa
học, tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài,
chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông
chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín, xây dựng chính
sách thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên
cứu tại Việt Nam. Hiện có hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế của 70 cơ
sở GDĐH. Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã tuyển được
tổng số hơn 86.000 sinh viên, học viên. Liên kết đào tạo với nước ngoài
đã tăng cường hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng
cao vị thế các cơ sở GDĐH của Việt Nam trên thế giới.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT chú trọng và khuyến khích tạo môi trường
học thuật, tăng cường hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại các cơ sở GDĐH; áp
dụng các tiến bộ công nghệ khoa học, thành quả của cuộc Cách mạng công
nghiệp 4.0 vào đào tạo, trong đó có khuyến khích các cơ sở đào tạo từ
xa, áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến.
Tính đến cuối tháng 2/2021, cả nước đã có 153 cơ sở GDĐH và 9 trường
cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định
chất lượng GDĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 64% tổng số các trường đại
học, học viện trong cả nước. Có 7 trường đại học được công nhận bởi tổ
chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Về kiểm định chương
trình đào tạo, có 174 chương trình đào tạo của 48 cơ sở GDĐH được đánh
giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và 208 chương trình đào tạo
của 36 trường đại học, học viện được đánh giá và công nhận theo tiêu
chuẩn khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, quá trình đổi mới GDĐH vẫn còn một
số bất cập, khó khăn. Đó là ngân sách đầu tư cho GDĐH còn hạn chế.
Chương trình đào tạo của một số trường còn nặng về lý thuyết, chưa quan
tâm đúng mức các kỹ năng xã hội, kỹ năng nghề nghiệp và khả năng tự học,
sáng tạo; một số trường chưa thực hiện đúng các yêu cầu về bảo đảm chất
lượng dành cho đào tạo. Nguồn lực dành cho hợp tác công tư, hợp tác đầu
tư với nước ngoài còn hạn chế... Nhìn tổng thể, thị trường lao động
Việt Nam phát triển không đồng đều, quan hệ cung-cầu lao động giữa các
vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế còn mất cân đối. Hiện nay, nguồn cung
lao động tại Việt Nam rất dồi dào và lớn hơn cầu về lao động. Tuy nhiên,
phần lớn lượng cung lao động này là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động
chưa qua đào tạo còn cao và chất lượng lao động không đồng đều giữa các
vùng, miền.
Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, trong giai đoạn 2012-2018, trung
bình khoảng 31% số người đang có việc làm có trình độ học vấn cao nhất
từ THPT trở lên, dù đang có xu hướng cải thiện trong những năm gần đây
nhưng tỷ lệ này vẫn còn khá thấp, chưa đủ để đưa Việt Nam sánh vai với
các quốc gia có trình độ dân trí cao.
So sánh số liệu theo 6 vùng kinh tế-xã hội (KT-XH) thì tỷ lệ lao động
đã qua đào tạo cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (30,7%) và thấp nhất
là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13,3%). Tỷ trọng lực lượng lao động
có trình độ đại học trở lên khác nhau đáng kể giữa các vùng. Nơi có tỷ
trọng này cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (13,7%) Tây Nguyên là
vùng có tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ từ đại học trở lên thấp
nhất (5,7%).
Từ thực tiễn đó, để phát triển nguồn lực chất lượng cao đòi hỏi chúng
ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những biện pháp có
tính tiên quyết là phải phát triển hệ thống GDĐH trên cơ sở thực hiện
Chiến lược phát triển GDĐH trong giai đoạn mới và Quy hoạch mạng lưới
các cơ sở GDĐH Việt Nam, trên cơ sở dự báo nhu cầu nhân lực tại các địa
phương và các lĩnh vực ngành, nghề, gắn chặt chẽ với chiến lược phát
triển KT-XH của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chiến lược phát triển và quy hoạch mạng lưới GDĐH phải góp phần quan
trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030;
đồng thời tạo động lực dẫn dắt sự phát triển của đất nước trong kỷ
nguyên số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu đến năm 2045 thiết lập
được một hệ thống GDĐH mở, bình đẳng, công khai, minh bạch, hòa nhập và
cơ hội phục vụ học tập suốt đời cho mọi người; có số lượng cơ sở GDĐH
hợp lý, có tính phân loại cao, có trọng tâm, trọng điểm; ứng dụng hiệu
quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong GDĐH; hệ thống có khả
năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đầu trong
chuyển giao tri thức và công nghệ phục vụ phát triển bền vững KT-XH; nằm
trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Một biện pháp quan trọng khác là triển khai áp dụng Khung trình độ
Quốc gia Việt Nam và tham chiếu với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Khung trình độ Quốc gia Việt Nam cho GDĐH nhằm phân loại, chuẩn hóa năng
lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với
các trình độ thuộc GDĐH của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào
tạo nguồn nhân lực; thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về
chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các
trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra,
đánh giá và kiểm định chất lượng; làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở
GDĐH, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành ở các trình
độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo
nguồn nhân lực; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của
các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế
làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng
và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực; tạo cơ chế liên thông giữa
các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Ngoài ra, cần chú trọng phát triển hệ sinh thái chính phủ-doanh
nghiệp-trường đại học, nhằm tăng cường khởi nghiệp, đẩy mạnh đổi mới
sáng tạo; tiến hành rà soát số lượng các cá nhân có trình độ tiến sĩ
đang công tác ở các trường đại học nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài
các cơ sở GDĐH để làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách thu hút
tiến sĩ đến công tác tại các cơ sở GDĐH ở Việt Nam./.
PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
(Nguồn: qdnd.vn)