Để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân đạt được mục
tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020
và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, các địa
phương, bộ, ngành cần phối hợp giải quyết những vướng mắc đang là “rào
cản”.
Chị Nguyễn Thị Phương, công nhân của một khu công nghiệp tại Hà Nội
chia sẻ, hiện có 2 vấn đề rất lớn đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm
việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhà ở và trường học cho
con.
Theo chị Phương, nhu cầu này rất cao nhưng tỷ lệ đáp ứng lại thấp, hầu
hết công nhân lao động đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các
nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao (điện, nước, tiền gửi
con…) không được như người địa phương.
Mong muốn của chị Phương cũng giống nguyện vọng chung của nhiều công
nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất khác trên toàn quốc là được thuê
nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước; có nhiều trường công lập gần các khu
công nghiệp để cho công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm ổn định cuộc
sống và làm việc.
Để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân đạt được mục
tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020
và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, các địa
phương, bộ, ngành cần phối hợp giải quyết những vướng mắc đang là “rào
cản”. Cùng đó, việc phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân cũng cần
theo hướng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật-xã hội, đảm bảo nâng cao đời sống của
người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ chính quyền địa phương là cấp quyết
định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội; trong đó có
nhà ở cho công nhân đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa
phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc
phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Vũ Văn Phấn
cho biết, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện công nhân
khu công nghiệp đang sinh sống tại các khu nhà ở do hộ gia đình, cá nhân
đầu tư hoặc tại các dự án; trong đó, số lượng sinh sống tại các khu nhà
ở của hộ gia đình, cá nhân là chủ yếu.
Đối với nhà ở được phát triển theo dự án thì trên địa bàn cả nước mới có
172 dự án, với số lượng căn hộ khoảng 129.000 căn hộ; trong đó đã hoàn
thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở
cho khoảng 330.000 người.
Trên toàn quốc hiện đang tiếp tục triển khai 72 dự án, quy mô xây dựng
khoảng 88.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 704.000 lao động. Như
vậy, tính toán sơ bộ, việc phát triển nhà ở theo dự án mới đáp ứng chỗ ở
cho khoảng 28% số công nhân hiện nay - ông Phấn cho hay.
Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến
đầu năm 2018 số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở là
khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng thành khoảng 3
triệu người; trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao
động đang làm việc trong các khu công nghiệp. Nhiều nhất vẫn là tỉnh
Bình Dương (hơn 90%), Thành phố Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%), Hà
Nội (59%)…
Nhu cầu nhà ở của công nhân lao động các khu công nghiệp tiếp tục tăng
và chỉ được đáp ứng khi có sự nhập cuộc hỗ trợ của các bộ ngành, địa
phương và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn cả nước có 328 khu công nghiệp được
thành lập; trong đó 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 105 khu
công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp
đầy các khu công nghiệp đạt 51%, riêng các khu công nghiệp đi vào hoạt
động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%. Tương ứng với hoạt động của các khu
công nghiệp thì có trên 2,7 triệu công nhân lao động cùng hàng triệu
công nhân, lao động tại nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm
công nghiệp vừa và nhỏ.
Để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở
xã hội và Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các
thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó
có nội dung phát triển nhà ở.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế
xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở; trong đó giai
đoạn 2017 - 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế công đoàn, từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế công đoàn; đến năm
2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều
có thiết chế của công đoàn.
Là doanh nghiệp thành công trong phát triển nhiều khu công nghiệp trên
toàn quốc, Tổng công ty Viglacera cũng rất chú trọng triển khai các dự
án nhà ở tại các khu công nghiệp do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư như:
Yên Phong (Bắc Ninh), Đồng Văn (Hà Nam), Phú Hà (Phú Thọ)…
Tại dự án Khu nhà ở xã hội (giai đoạn 1) cho công nhân khu công nghiệp
Phú Hà tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ có quy mô diện tích 4,3 ha,
Viglacera đầu tư xây dựng 630 căn hộ. Ông Hoàng Công Thuỷ - Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Phú Thọ nhận xét, khi Khu công nghiệp Phú Hà lấp đầy sẽ có
khoảng 30.000 lao động.
Bởi vậy, việc đầu tư nhà ở công nhân tại khu công nghiệp này của
Viglacera là nắm bắt kịp nhu cầu nhà ở cho người lao động hiện tại và
tương lai; đáp ứng mục tiêu của chương trình phát triển nhà ở của địa
phương. Việc xây dựng đồng bộ hạ tầng với đầy đủ thiết chế sẽ tăng sức
hấp dẫn của dự án, thu hút nhà đầu tư.
Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ
chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài khi
tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở cho công nhân
các khu công nghiệp nhưng việc triển khai trên thực tế cũng còn một số
khó khăn.
Một số doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở công nhân cho rằng, khó
khăn họ phải đối mặt chính là nguồn vốn hỗ trợ hạn chế. Mặc dù theo quy
định của pháp luật về nhà ở thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất
cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện
chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Nhưng trên thực tế, việc cân đối nguồn
vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ tháng
6/2016 thì đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng
Chính sách xã hội gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng
13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng năm 2018,
Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được giao 500 tỷ đồng. Còn các tổ
chức tín dụng vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.
Một trong những khó khăn hiện hữu nữa là nhiều địa phương chưa quan tâm
chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là kế
hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Một số địa phương
chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn,
khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không chú ý triển khai các dự án phát triển
nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Có thể thấy rõ nhất là việc chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội,
nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm theo quy
định của pháp luật. Thậm chí, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp
chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển loại nhà ở này hoặc bố trí tại
các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng…, dẫn đến
thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án.
Tuy muốn huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà
ở cho công nhân nhưng một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
thuộc thẩm quyền của các địa phương lại chưa được quan tâm đúng mức để
thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Cụ thể như, nhiều nơi chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ
thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách
địa phương; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải
thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn rườm rà, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi
thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy
hoạch, dự án vẫn còn kéo dài,.../.
Thu Hằng (TTXVN)