Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển thành công một phương pháp thử máu cho phép đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán và điều trị bệnh lao phổi.
Theo nhà khoa học Tony Hu, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Arizona của Mỹ, ưu điểm vượt trội của phương pháp xét nghiệm mới là rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh xuống còn vài giờ, thay vì nhiều ngày như phương pháp thông thường hiện nay.
Cụ thể, để xác định bệnh nhân có nhiễm lao phổi hay không, các nhà khoa học đi tìm CFP-10 và ESAT-6 trong máu người bệnh, vốn là hai loại protein do vi khuẩn TB tạo ra khi xâm nhập cơ thể người.
Đánh giá ban đầu cho thấy phương pháp xét nghiệm máu nhanh cho kết quả chính xác tới khoảng 92%.
Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm này vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm trước khi được áp dụng rộng rãi.
Thông thường, bệnh lao phổi thường được chẩn đoán thông qua các biện pháp như nhuộm soi đờm, nuôi cấy đờm, soi phế quản, sinh thiết phổi...
Tuy nhiên, vẫn có sai số và mất nhiều thời gian, có thể tới vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lao phổi là một căn bệnh tồn tại lâu nhất trong lịch sử y học, có tên khoa học là Tuberculosis hay TB.
Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1 tỷ người trong hơn 2 thế kỷ qua. Khi xâm nhập cơ thể người bệnh, vi khuẩn tấn công phổi, khiến người bệnh bị ho, sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm và sụt cân.
TB là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Năm 2015 đã có khoảng 10,4 triệu người nhiễm TB và 1,8 triệu bệnh nhân tử vong./.
Theo TTXVN