(TCTG) - Thành tựu mang lại trong những năm qua từ nông nghiệp, nông thôn và nông dân đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất là rất to lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của hội nhập, chúng ta cần nhìn nhận lại thực trạng nền nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện ra sao.
Làm thế nào để nâng cao đời sống nông dân như định hướng trong Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang là bài toán đặt ra, để có được lời giải không đơn giản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gợi ý xây dựng một "kịch bản" chi tiết để thực hiện 3 trụ cột: Đảm bảo an ninh lương thực, đào tạo nghề cho nông dân và phát triển thị trường đất nông nghiệp.
Thực trạng còn nhiều tồn tại
Bên cạnh những thành tựu mà nông nghiệp, nông dân và nông thôn mang lại cho nền kinh tế đất nước thì thực tế nước ta vẫn đang còn phải đối mặt với những tồn tại, đó là nông nghiệp vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dựa trên phương pháp truyền thống là chính. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích rất thấp, khoảng 30 triệu đồng/héc ta. Giá trị gia tăng hàng hóa nông phẩm kém, vệ sinh thực phẩm là mối đe dọa nghiêm trọng; Nông thôn còn nghèo và nhiều khó khăn. Chiếm gần 70% dân số nhưng thu nhập của nông dân mới bằng một phần ba mức bình quân của cả nước, điều kiện sống lạc hậu, tỷ lệ thất nghiệp còn cao, phần lớn thời gian lao động thực tế ở nông thôn mới đạt 65%; Vị thế của nông dân trong tiến trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) mờ nhạt, không nắm được thị trường và luôn chạy theo thị trường. Mức hưởng thụ phúc lợi xã hội quá thấp, với 70% dân số song mới hưởng thụ 25% mức đầu tư về giáo dục và y tế; Nông thôn bị tụt hậu, kết cấu hạ tầng chất lượng thấp, mới đáp ứng một phần đời sống, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kém bền vững trong phòng chống thiên tai, ô nhiễm môi trường. Làng xã không được quy hoạch; Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, nông lâm trường đổi mới không thực chất. Doanh nghiệp nông thôn phần lớn còn yếu kém, chưa có động lực. Bên cạnh việc duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa, vẫn còn không ít vùng nông thôn giá trị văn hóa bị biến dạng, nhiều giá trị đạo đức và truyền thống bị xói mòn...
Giải quyết thực trạng
Để đẩy nhanh CNH và hội nhập thì phải làm sao để người nông dân được tham gia vào quá trình này một cách chủ động nhất. Cần lấy nông dân làm trung tâm, lấy xây dựng nông thôn mới làm khâu đột phá, trong đó có hai vấn đề quan trọng nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực. Lấy hiện đại hóa nông nghiệp làm then chốt. Như vậy, nông thôn mới đủ điều kiện thu hút công nghiệp và dịch vụ, hiện đại hóa sản xuất và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn.
Từ thực tiễn ở các nước, có thể hình dung nền kinh tế mới bước đầu CNH vào năm 2020 với các chỉ tiêu sau: cơ cấu kinh tế là công nghiệp và xây dựng 40-45%, dịch vụ và du lịch 45-50% và nông nghiệp chỉ còn khoảng 10-12%. Mức thu nhập đầu người đạt từ 6.000-8.000 USD/năm với tỷ lệ dân số nông thôn là 30% và tỷ lệ lao động nông nghiệp còn thấp hơn, từ 25-30%.
"Kịch bản" chi tiết được Bộ NN-PTNT đưa ra là dựa trên 3 trụ cột: Đảm bảo an ninh lương thực, đào tạo nghề cho nông dân và phát triển thị trường đất nông nghiệp. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, việc đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện vững chắc trong quá trình phát triển tam nônglà đảm bảo an ninh lương thực (ANLT). Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo ANLT, nhưng để bền vững thì còn nhiều việc phải làm. Đảm bảo ANLT phải rất chú ý đến đối tượng là người nghèo. Nguồn lương thực dồi dào, thừa tiêu dùng tính trên đầu người không có nghĩa là đảm bảo ANLT, bởi người nghèo không có tiền mua lương thực. Do vậy, việc tổ chức hệ thống phân phối, cũng như hình thành cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này được tiếp cận với lương thực là yêu cầu bức bách. Để thực hiện mục tiêu ANLT cần điều tra hiện trạng sử dụng đất lúa trên phạm vi cả nước, đối chiếu với dự báo về ANLT đến năm 2015, 2020, cũng như khi dân số ổn định để xác định diện tích đất lúa phải được bảo vệ. "Đặc biệt, nên sớm điều chỉnh một số điều khoản của Luật đất đai 2003 liên quan đến quản lý nhà nước, sử dụng đất luá theo hướng thống nhất tập trung quyền chuyển đổi đất chuyên lúa do Chính phủ phê duyệt... Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo nghề cho người nông dân. Thời gian qua, việc hỗ trợ nông dân đã chuyển từ cho họ "con cá" sang cho "cần câu". Nhưng thực tế, phương thức này vẫn thể hiện sự bị động của nông dân. Để khắc phục tình trạng này cần phối hợp với nông dân sắm "cần câu" cho họ bằng cách đào tạo nghề. Điều cấp bách hiện nay là phải đổi mới cách đào tạo nghề cho nông dân.
Ngoài ra, cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Trợ giúp các dịch vụ hỗ trợ sau đào tạo để giúp nông dân có việc làm sao khi đào tạo. Muốn đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn, cần tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Chú trọng đào tạo kỹ năng, kỷ luật, đạo đức làm việc. Huy động mọi nguồn lực từ nhà nước, địa phương, cộng đồng kết hợp chặt với doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển đào tạo.
Bên cạnh đó, muốn tạo động lực cho phát triển tam nông, phải tạo bước đột phá trong xây dựng thị trường đất nông nghiệp. Thực tế hiện nay, các quy định hiện hành rất khó khăn cho tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT, các tổ chức quốc tế thiết kế cơ chế cho sự định hình thị trường chuyển nhượng quyền sở hữu đất nông nghiệp năng động. Đồng thời, cần tạo dựng thị trường quyền sử dụng đất nông thôn, nông nghiệp là rất quan trọng nhưng lại chưa phát triển. Xây dựng được thị trường đất nông nghiệp giúp nông dân có quyền quyết định trong chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn... nông dân chính là doanh nghiệp ở nông thôn, họ phải được thoả thuận với các doanh nghiệp vào kinh doanh trên đất nôngnghiệp mà họ đang sản xuất. Do đó, cần nghiên cứu mở rộng hạn điền, tăng thời gian sử dụng đất. nông dân phải được sử dụng đất ít nhất trong 50 năm mới có thể giúp họ yên tâm sản xuất.
Để nâng cao giá trị quyền sở hữu đất nông nghiệp của nông dân, các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu là nông, lâm, thuỷ sản nên nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình công ty cổ phần với điều kiện trong thành phần cổ đông sáng lập có hộ nông dân là cổ đông góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Thực hiện thành công mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, gắn chặt giữ công nghiệp với nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải chú trọng đến việc chuyển đổi và phân bổ nguồn nhân lực ở nông thôn và đổi mới chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Để chuyển đổi lao động nông thôn đúng hướng thì điều căn bản là phải tạo ra việc làm cho nông dân, nhất là lao động trẻ, còn nông dân phải đáp ứng được yêu cầu của việc làm mới.
Một thực tế là chỉ có hơn 8% nguồn nhân lực nông thôn đã qua đào tạo. Trên cơ sở tính toán lại lao động nông thôn đến năm 2020, cần có kế hoạch đào tạo và chuyển giao lao động hợp lý. Lao động nông nghiệp cần có đủ kiến thức và trình độ áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất tiên tiến và một bộ phận lớn có tay nghề. Cùng với việc phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ nông thôn, cần sớm hình thành thị trường lao động nông thôn, tạo việc làm mới cho nông dân, bao gồm cả ưu tiên xuất khẩu lao động.
Cuộc chuyển đổi trong nông nghiệp và nông thôn trong thực hiện chính sách “tam nông” mang tính toàn diện hơn chứ không đơn thuần là giải phóng sức lao động như thời kỳ “khoán 10”, “khoán 100”. Nguồn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn phải tương ứng với yêu cầu của sự phát triển. Theo đó, ngân sách nên ưu tiên cho ba lĩnh vực lớn: xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông nghiệp và thực hiện công bằng xã hội với nông dân./.
Đỗ Quỳnh Chi