(TG) – Hội thảo cập nhật và thảo luận về
những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển mạng 4G
LTE tại Việt Nam; đồng thời mang đến những bài học kinh nghiệm quốc tế
cũng như giới thiệu các cơ chế quản lý khoa học, các giải pháp công nghệ
tiêu biểu nhằm phát triển thành công mạng 4G LTE.
Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trì của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng ngày 18-8, tại Hà Nội. Chủ đề của Hội thảo năm nay là "Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật".
Tham dự hội thảo có hơn 400 khách mời là các chuyên gia, các nhà quản lý đại diện tất cả các đơn vị, tổ chức, công ty đang hoạt động trong thị trường viễn thông như Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam, đại diện Bộ và các đơn vị viễn thông của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, các đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp; các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông; các đơn vị kinh doanh dịch vụ nội dung số; các đơn vị truyền thông báo chí...
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA) tại Hội thảo, tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác. Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA). Cho thấy sự phát triển của 4G LTE đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
|
Tại Việt Nam, theo nhận định từ Bộ Thông tin và Truyền thông thì 2016 là thời điểm thích hợp cho Việt Nam triển khai thành công 4G LTE. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Phan Tâm chia sẻ rằng: “năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ”.
Nhằm tạo đà cho sự phát triển 4G LTE, đầu năm 2016, Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến 2020 đã được Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt và ban hành với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng được hạ tầng băng rộng có thể phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020. Ngoài ra, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai 4G LTE, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung xây dựng chính sách rõ ràng trong việc dùng hạ tầng kỹ thuật , thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, CNTT trên hạ tầng viễn thông băng rộng.
Song song với sự chuẩn bị từ phía nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông cũng đang gấp rút xây dựng chiến lược phát triển từ đây đến 2020 với trọng tâm là 4G LTE. Từ cuối năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 4G LTE cho một số nhà mạng lớn như Vietel, Mobifone, VNPT và FPT. Dự kiến 4G LTE sẽ được cấp phép chính thức vào cuối năm 2016, sau khi hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm từ các nhà mạng.
|
Cũng tại Hội thảo - triển lãm Quốc tế 4G LTE, những nội dung trọng tâm sẽ được các chuyên gia viễn thông, các nhà quản lý tập trung thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ. Đó là "thách thức trong việc xây dựng hạ tầng băng rộng hiện đại và tối ưu hóa chi phí đầu tư công nghệ 4G tại Việt Nam"; "Lộ trình triển khai 4G LTE tại Việt Nam"; “Các giải pháp bảo mật cho mạng 4G"; "Ứng dụng 4G trong các ngành dọc như: ô tô, chăm sóc sức khỏe, y tế, truyền hình, giáo dục, bất động sản".
Với quy mô đó, Triển lãm Công nghệ 4G LTE 2016 hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm quy tụ của những trình diễn sản phẩm công nghệ và giải pháp CNTT mới và hiện đại nhất từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; là nơi mang đến những trải nghiệm và cái nhìn chân thực nhất về công nghệ 4G LTE hiện nay./.
Duy Phong