Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 98/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đến năm 2020.
Quy hoạch dựa trên quan điểm hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam-Trung Quốc và tính tới phát triển toàn tuyến đi châu Âu và các nước ASEAN. Quy hoạch nêu rõ việc phát triển Hành lang nằm trong khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại hai nước Việt-Trung, với nguyên tắc bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sự hợp tác và quan hệ của mỗi nước với nước thứ 3.
Mục tiêu của quy hoạch là đưa mức tăng trưởng GDP toàn tuyến lên gấp 1,2-1,4 lần mức trung bình cả nước. Nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua hành lang kinh tế này đạt bình quân hơn 20%/ năm, đạt khoảng 2 tỷ USD vào năm 2010; 4,5-5 tỷ USD vào năm 2015 và trên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển và hợp tác phát triển về thương mại, du lịch, công nghiệp, vận tải hàng hóa và hành khách, nông, lâm nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục và khoa học - công nghệ.
Theo đó, sẽ có 3 cặp cửa khẩu quốc tế, 4 cặp cửa khẩu chính và 13 cặp chợ biên giới trên tuyến biên giới Việt - Trung thuộc Hành lang kinh tế trên; xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng-Bằng Tường và một số trung tâm thương mại, du lịch trên tuyến hành lang và khu kho vận tại Bắc Giang. Sau năm 2015, hợp tác hành lang kinh tế sẽ được triển khai toàn diện.
Xây dựng Hà Nội thành thành phố quốc tế với chức năng thủ đô của nước Việt Nam và là trung tâm kinh tế lớn của tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng.
Tuyến cao tốc Hà Nội-Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) 6 làn xe sẽ được xây dựng với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,4 tỷ USD. Hơn 19.000 tỷ đồng được dành cho việc xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, kéo dài đến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) gồm 6 làn xe, dự kiến khởi công năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010.
Việt Nam cũng sẽ hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế có lợi cho hành lang kinh tế. Cảng Phả Lại sẽ được đầu tư xây dựng thành cảng đầu mối quan trọng trong tuyến đường thủy của hành lang.
Để đẩy mạnh tự do hóa thương mại, tiện lợi hóa lưu thông hàng hóa của tuyến hành lang kinh tế, hai nước Việt-Trung sẽ thực hiện thí điểm mô hình thông quan “kiểm tra một lần” tại cửa khẩu Hữu Nghị.
TTXVN