Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 9/4/2015 21:9'(GMT+7)

Phí, lệ phí và lãng phí

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2001, có 73 nhóm phí và 42 nhóm lệ phí. Theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí, có 171 khoản phí, 130 khoản lệ phí và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí cụ thể. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, Bộ này đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương rà soát, bãi bỏ hàng trăm khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội, thực tế hiện nay ở các địa phương đang tồn tại rất nhiều loại phí và lệ phí. Ngay trong danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành, nhiều khoản phí và lệ phí đã không còn phù hợp với thực tiễn, một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ như viện phí, phí chứng nhận chất lượng hàng hóa, phí giám định hàng hóa, phí chợ, phí trông giữ xe...; một số khoản phí có tên trong danh mục nhưng chưa phát sinh… Đặc biệt, việc lạm thu phí và lệ phí, đặt thêm nhiều loại phí và lệ phí đang diễn ra ở nhiều địa phương như phí dịch vụ chung cư, lệ phí thi lại, lệ phí thi thử, phí an ninh trật tự…

Chính vì những lý do trên đây, đại đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Phí và lệ phí để phù hợp với chiến lược cải cách thuế, bảo đảm hợp hiến, đồng bộ với hệ thống pháp luật, kết hợp đồng bộ, đầy đủ các nguồn thu này vào ngân sách Nhà nước; luật hóa một cách minh bạch các khoản thu về phí và  lệ phí để chống lãng phí. Dự kiến, dự án Luật Phí và lệ phí sẽ được trình ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới đây và sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Chúng ta tin tưởng vào sự sáng suốt của các đại biểu Quốc hội. Một đạo luật về phí và lệ phí ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý để chấn chỉnh việc lạm thu phí, lệ phí và lãng phí. Tuy nhiên, từ nay đến ngày Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành khá dài, nếu theo đúng tiến độ, phải gần 2 năm nữa, vì thế theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, vấn đề cấp bách lúc này là phải rà soát lại các khoản phí và lệ phí. Bãi bỏ ngay các khoản phí và lệ phí do các địa phương ban hành không đúng thẩm quyền. Đồng thời thực hiện miễn ngay một số khoản phí và lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả, phải nộp khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Như vậy phí và lệ phí mang tính chất hoàn trả trực tiếp và liên quan trực tiếp đến người dân. Vì vậy, mức thu cần phải được xây dựng trên cơ sở tính toán các chi phí bỏ ra và lợi ích thu về của người cung cấp dịch vụ. Mức thu đó phải được công khai, minh bạch dưới sự giám sát chặt chẽ của người dân./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất